Vì sao Đức Phật đi tu?
Sự giác ngộ của Đức Phật là thành tựu của việc tu tập, không phải là sự nâng cao nhận thức hay thay đổi tâm lý thông thường. Ngài chỉ dạy rõ: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”.
Trước khi trở thành Phật, Ngài là Thái tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da. Ngài sẽ là người nối nghiệp vua Tịnh Phạn, trị vì một vương quốc nhỏ của bộ tộc Thích Ca.
Sống trong cung vàng điện ngọc nhưng Thái tử đã sớm suy tư về kiếp sống nhân sinh, nhận ra cảnh đời Ngài đang sống không phải là hạnh phúc chân thật mà là giả dối, mê muội. Đặc biệt sau khi trải nghiệm thực tế bên ngoài thì Ngài thấy dù là Thái tử con vua, cũng không thể thoát khỏi cảnh già, bệnh và chết.
Cuộc gặp gỡ với vị Sa môn dáng mạo uy nghiêm thoát tục đã càng nung nấu chí nguyện xuất gia tìm cầu chân lý của Thái Tử.
Để ngăn cản ý định xuất gia của Ngài, vua Tịnh Phạn cho xây dựng bốn cung điện theo bốn mùa, xuân, hạ thu, đông và cưới công chúa Gia-du-đà-la xinh đẹp, sau sinh cho cho Ngài hoàng tử La-hầu-la. Nhưng từng đó cũng không làm Ngài say đắm vui hưởng dục lạc cuộc đời.
Khi vua cha Tịnh Phạn ngăn cấm xuất gia, Ngài liền đặt bốn câu hỏi cho vua cha: Làm sao cho con trẻ mãi không già? Làm sao cho con khỏe mạnh không ốm đau? Làm sao cho con sống hoài không chết? Làm sao cho chúng sinh hết khổ?
Vua Tịnh Phạn không trả lời được một trong bốn câu hỏi đó. Đêm mùng 8 tháng hai, từ bỏ tất cả, Ngài khoác trên mình bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ, vượt thành xuất gia bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Khi đó Ngài 19 tuổi.
Sau ba lần tầm thầy học đạo và sau sáu năm khổ hạnh rừng già, cuối cùng sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ đề, Ngài đã chứng thành đạo quả Vô thượng Bồ đề thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã chứng ngộ: về nguyên lý của vũ trụ vạn hữu là Duyên sinh, Vô thường, Vô ngã; về nguyên nhân của khổ; về Niết bàn hay hạnh phúc chân thật (sự vắng mặt hoàn toàn của mọi khổ đau) và phương pháp tu tập diệt khổ. Chính sự giác ngộ này đã đưa Ngài giải thoát, chấm dứt con đường luân hồi sinh tử.
Sự giác ngộ của Đức Phật là thành tựu của việc tu tập, không phải là sự nâng cao nhận thức hay thay đổi tâm lý thông thường. Ngài chỉ dạy rõ: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành nếu các người tu theo con đường (đạo) ta chỉ dạy”. Bất cứ một người nào, với sự nỗ lực tu tập của bản thân, đều có thể vươn tới đỉnh cao nhất của giác ngộ và giải thoát, như chính Đức Phật. Vậy hà cớ gì chúng ta không tu tập mỗi ngày theo lời Phật dạy.