Xét trên phương diện chính trị- xã hội, cả Phù Nam và Champa đều tiếp thu mô hình chính trị của Ấn Độ, cả về huyền thoại lập quốc hay sự ra đời của quốc gia đều nhuốm màu sắc Ấn.

Ở đây, hai cổ quốc này đã nhận mô hình Mandala của Ấn- mô hình của sự “độc lập trong liên lập”, trong đó nhiều tiểu quốc thần phục một vương quốc bá quyền; hay Mandala là khái niệm từ tiếng Sanskrit mà Wolters dùng để chỉ tình trạng chính trị riêng biệt và thường không bền vững, trên phạm vi địa lý xác định một cách mơ hồ, không có biên giới rõ. Nếu Phù Nam có cả thiết chế Mandala và tồn tại cả quan hệ tông chủ - chư hầu thì Champa chỉ có nền chính trị được xây dựng dựa trên mô hình Mandala của Ấn, mà không có sự tiếp nhận của nền văn hóa khác.

Thuật ngữ mandala trong ngôn ngữ Ấn Độ cổ xưa đã được vận dụng sáng tạo để tạo nên một cấu trúc các đơn vị chính trị rộng lớn hơn ở các quốc gia Đông Nam Á cổ đại. Giáo sư sử học O.W.Wolters đã giải thích thể chế chính trị Mandala “mỗi một Mandala gồm một số tiểu thủ lĩnh phụ thuộc mà một số có thể từ bỏ quy tắc phụ thuộc khi có thời cơ và cố gắng lập một hệ thống phụ thuộc của mình, tự gia tăng các mạng lưới chư hầu của mình. Chỉ có Mandala tôn chủ mới có quyền nhận cống nạp và cử đại diện của mình đến để thể hiện vị trí tôn chủ”.

(...) Ở đây, xét thấy thiết chế chính trị của Phù Nam là một thiết chế yếu vì nó có cả quan hệ của nền chính trị Trung Hoa; theo đó, sự bá quyền của Phù Nam chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định và đến lúc suy yếu thì sẽ có quốc gia khác thay thế vị trí bá quyền ấy và lịch sử đã chứng minh cho ta thấy Phù Nam đã bị thôn tính bởi Chân Lạp vào thế kỷ VI/VII.

Trong khi đó, Champa lại chỉ tiếp nhận mô hình Mandala của người Ấn và cao tay hơn cả Phù Nam, quốc gia này đã biến đổi mô hình này thành mô hình mang đặc điểm của Champa. Theo đó, vương quốc Champa chia làm 4/5 tiểu quốc, được nhắc đến trong văn bia với 38 châu lớn nhỏ; mỗi tiểu quốc được thiết lập dựa trên 5 yếu tố thiêng mà GS. Trần Quốc Vượng đã là người có công trong việc phát hiện ra điều này, bao gồm:
Núi thiêng: nơi thờ thần Shiva
Sông thiêng: thờ nữ thần Ganga (vợ Shiva)
Cửa biển thiêng (Trung tâm kinh tế): cảng thị, nơi trao đổi hàng hóa…
Thành phố thiêng (Trung tâm vương quyền): hoàng thành, nơi trú ngụ của vua và hoàng tộc, lãnh chúa.
Đất thiêng/ Thánh đô (Trung tâm tín ngưỡng): thờ tự thần linh, tổ tiên

Champa tiếp thu và sử dụng quan niệm của Ấn Độ giáo - Phật giáo để xây dựng vương quyền cho riêng mình dù vẫn chưa có luật thành văn hay quân đội thường trực; xuất hiện quan niệm về thần- vua- đặc điểm của Shiva giáo Chăm. Sử dụng những từ ngữ Ấn, địa danh Ấn để đặt tên nước, kinh đô và các quận; vua Cham cũng đặt những vương hiệu, miếu hiệu, tên hiệu theo cách mà người Ấn đặt. Trong xã hội cổ Champa cũng được chia theo các đẳng cấp (varna), song lại không khắt khe, chặt chẽ như của người Ấn. Hầu như chỉ đề cập đến đẳng cấp trên (Brahman và Ksatrya) mà không nói đến đẳng cấp dưới như (Vaishya hay Sudra).

Trích theo “Một số tương đồng- dị biệt trong dấu ấn tiếp biến văn hoá Ấn của Champa- Phù Nam” - Tác giả Nguyễn Tuấn Hùng

Từ khóa: