Tôn giáo và văn hóa là hai yếu tố chính cho thấy tác động sâu sắc của các giá trị Ấn Độ tại Đông Nam Á. Nhìn chung, “Ấn Độ hóa” là quá trình lan tỏa các giá trị Ấn Độ sang các khu vực lân cận trên cơ sở phổ biến nền văn hóa Ấn (là chính) và tiếp nhận các yếu tố văn hóa khu vực (là phụ). Như vậy có thể nhận thấy rằng “Ấn Độ hóa”có các yếu tố:
Thời gian, là một quá trình có tính chất lâu dài.
Mục tiêu, phổ biến các giá trị Ấn Độ vượt qua biên giới quốc gia
Nội dung, là các giá trị Ấn Độ (mà chủ yếu là các giá trị văn hóa)
Đối tượng, là các quốc gia hay các khu vực lân cận với Ấn Độ

Trước hết, cần biết quá trình ảnh hưởng của văn hóa Ấn đến Việt Nam là vào khoảng thời gian nào. Điều này sẽ luận giải cho lý do vì sao chúng ta lại tiếp nhận văn hóa Ấn thay vì không tiếp nhận các luồng văn hóa khác. Cùng với tiến trình thời gian, cách thức gây ảnh hưởng của Ấn cũng là một vấn đề giúp cho sự truyền bá của Ấn được suôn sẻ và ít bị gián đoạn hay từ chối tiếp nhận. Con đường hòa bình của quốc gia này phần nào đã gây được sự thiện cảm đối với cư dân trên lãnh thổ hình chữ S; và chính điều đó đã giúp cho nền văn hóa được truyền bá một cách sâu rộng và toàn diện trong xã hội bản địa Việt. Song, chịu ảnh hưởng chủ yếu vẫn phải kể đến vùng đất Trung và Nam Bộ với 2 quốc gia cổ từng tồn tại ở đây là Champa (khoảng tk II- niên đại lập quốc vào năm 190-193 CN ở quận Tượng Lâm đến tk XV- khi Lê Thánh Tông thân chinh tiến đánh Champa) và Phù Nam (thế kỷ I-VI).

Ấn Độ giao lưu văn hóa với chúng ta có thể tính vào khoảng 3 thế kỷ đầu CN với sự ảnh hưởng của Phật- Hinđu giáo cùng chữ viết đã đẩy mạnh tiến trình quan hệ thương mại Ấn – Trung, cùng đó là sự xâm nhập của lối sống Ấn ở vùng đất mới. Và giai đoạn kết thúc quá trình ấy là vào khoảng thế kỷ XIV-XV với sự biến mất của vương quốc cổ Champa. Trong suốt quá trình giao lưu văn hóa, đến khoảng thế kỷ XIV-XV thì sự ảnh hưởng bắt đầu phai nhạt dần và không còn ảnh hưởng nữa. Vậy quá trình ảnh hưởng quan trọng nhất của văn hóa Ấn là vào giai đoạn 14-15 thế kỷ tính từ đầu công nguyên.

Cùng với sự xâm nhập của văn hóa Ấn là sự hình thành hai quốc gia cổ từng tồn tại trên vùng đất thuộc Trung và Nam Bộ ngày nay. Hai quốc này mức độ tiếp nhận văn hóa Ấn cũng khác nhau là đó chính là Phù Nam (Funan) và Champa hay quốc gia Ấn Độ hóa sớm nhất và quốc gia Ấn Độ hóa sâu sắc nhất.

Sự hình thành, phát triển, suy vong của 2 cổ quốc này cũng là khác nhau nên nó ảnh hưởng phần nào đến quá trình tiếp nhận cũng như biến đổi văn hóa Ấn. Nếu Phù Nam tồn tại từ khoảng thế kỷ I CN đến thế kỷ VI/VII thì Champa lại tồn tại lâu hơn rất nhiều so với Phù Nam khi có thể lấy dấu mốc niên đại lập quốc là năm 190-193 CN (khoảng thế kỷ II CN, ở quận Tượng Lâm) đến khi suy vong và biến mất là khoảng thế kỷ XV. Khoảng thời gia xuất hiện là khá tương đồng với nhau, song thời gia tồn tại lại khá xa nhau; trong khi Phù Nam đã biến mất vào khoảng thế kỷ VI/VII CN thì thời gian đó, Champa vẫn tiếp tục trên đà phát triển và tồn tại đến tận thế kỷ XV- tức sau đó gần 10 thế kỷ mới suy vong và biến mất. Chính việc này dẫn đến việc Champa là quốc gia có sự tiếp biến đối với văn hóa Ấn là vô cùng sâu đậm và rõ nét so với Phù Nam và không có gì đáng để bàn cãi khi Champa chính là quốc gia Ấn Độ hóa sâu sắc nhất.

Trích theo “Một số tương đồng- dị biệt trong dấu ấn tiếp biến văn hoá Ấn của Champa- Phù Nam” - Tác giả Nguyễn Tuấn Hùng.

Từ khóa: