Chuyện đại gia chơi trầm
Chơi trầm là thú chơi đẳng cấp vượt trên mọi đẳng cấp. Trầm ở đây là trầm hương, tinh túy của đất trời - núi rừng.
1. Là chủ nhân của hàng trăm "món đồ trầm" thuộc loại quý hiếm, ông Lê Đ., 59 tuổi, ngụ quận 1, một đại gia trầm có máu mặt nhưng kín tiếng khi được hỏi thăm đã tỏ quan niệm, góc nhìn của mình: "Tôi từng chơi cổ vật, chơi những món bằng đồng, ngà, vàng bạc... nhưng nói thật, có lẽ do không có duyên nên càng chơi tôi càng thấy oải vì có quá nhiều lọc lừa. Nhờ cơ duyên, hơn 30 năm qua, tôi chơi trầm. Nhờ vậy mà nhà tôi lúc nào cũng thoảng hương trầm" - ông Đ. hãnh hiện, nói.
Nhờ cơ duyên, từ tay chơi cổ vật ông Đ. chuyển niềm đam mê sang thú "săn trầm" và cũng nhờ cơ duyên, tôi gặp ông Đ. lúc ông đánh con xe trị giá hơn 2 tỉ đồng ghé thăm làng trầm Vạn Thắng ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Bận ấy (tháng 12/2012), Khánh Hòa xảy ra cơn sốt kỳ nam ở khu rừng Gộp Ngà (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn).
Một nhóm người đi điệu (dân tìm trầm-PV) ở tỉnh Quảng Nam nhờ được "Bà Cô" ban lộc (Bà Cô là Thánh Mẫu Thiên Y A Na mà theo truyền thuyết hóa thân vào khối trầm trôi trên biển được người dân Khánh Hòa tôn xưng là "Bà chúa trầm hương" - PV) đã "săn" được mấy ký lô kỳ nam, bán được mỗi ký cả chục tỉ đồng. Khi cơn sốt kỳ nam bùng nổ với hàng ngàn người đổ về Khánh Sơn lùng trầm kỳ, làng trầm Vạn Thắng xôn xao.
Nhiều đầu nậu, tay chơi trầm kỳ có máu mặt như ông Đ. từ Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn... đã đánh xe về "xứ trầm hương" nghe ngóng tình hình, nuôi hy vọng mua được những khối trầm kỳ được dân đi điệu từ các địa phương đang rồng rắn đổ lên Khánh Sơn, mót lại.
Nhắc lại chuyện hôm nào, ông Đ. trút bầu tâm sự rằng dân chơi cổ vật hễ nghe ở đâu có ai đào được đồ cổ thì tìm đến xem và cố mua cho bằng được và dân chơi trầm như ông cũng không ngoại lệ: "Hễ nghe ở đâu đó có người trúng trầm thì cái máu của tôi nó nổi lên, vậy là đến hiện trường ngay. Đến để được sống trong cái không khí sôi động chộn rộn năm thuở mười thì mới xảy ra. Đến để nếu không mua được những khối trầm tự nhiên thì cũng kết nối được những dân đi điệu. Để khi anh em nó săn được hàng thì ưu tiên gọi cho mình. Thế mới nói thú chơi trầm nó tốn kém, kỳ công là vậy".
Trong cuộc trò chuyện, ông Đ. có mấy lần nhấn mạnh cụm từ "trầm tự nhiên". Hỏi chuyện, ông giải thích ai đó đã là dân chơi trầm chuyên nghiệp, chơi trầm có máu me thì chỉ kết săn những khối trầm có nguồn gốc của núi rừng. Bởi trầm như thế mới có giá trị, có khí chất để cả ngàn năm cũng không bao giờ phai hương nhạt màu: "Trầm bây giờ thiếu gì nhưng là trầm nhân tạo, trầm được soi từ cây dó bầu được trồng trong các trang trại, nhà vườn. Trầm như vậy được bán ở Khánh Hòa nhiều lắm, khí chất kém xa trầm tự nhiên. Mà phàm ở đời, thứ gì người ta bán tràng giang đại hải thì đâu thể gọi là hàng quý hiếm".
Đã từng bước vào nhiều sảnh bày chứa những món đồ quý hiếm đắt tiền của những tay chơi "thứ dữ" trong lĩnh vực cổ vật, đá quý, đá phong thủy... nhưng khi được ông Đ. mời lại nhà thưởng lãm kho báu trầm của ông nằm tại một nơi mà ông Đ. yêu cầu không được phép tiết lộ, nói thật người viết cứ ngỡ lạc vào chốn bồng lai. Căn phòng chính rộng gần 200m2 được ông Đ. ốp toàn gỗ đen bóng, màu gỗ hợp với màu trầm đen đen... trông rất ấn tượng. Nhưng ấn tượng hơn cả là hương trầm thanh diệu với những dư vị khó tả cứ lan tỏa, khiến người vào thấy khoan thai, ấm cúng, thần trí sảng khoái vô cùng.
"Chơi trầm khác chơi cổ vật là ở chỗ đó" - ông Đ. hào hứng khi thấy khách trầm trồ bức tranh thủy mặc có chu vi đúng 1 mét mà ông Đ. khẳng định hàng rừng chính hiệu. "Chơi cổ vật thì chỉ có ngắm với ngắm mà thôi. Còn chơi trầm, không chỉ ngắm, người chơi còn được thỏa cái thú ngửi, nếm nữa kia. Nhờ chơi lâu năm nên chỉ cần ngửi hương nếm vị, tôi có thể biết được trầm ấy là trầm tự nhiên hay trầm nhân tạo, trầm ấy ở vùng nào, ở Khánh Hòa, Quảng Nam, Tây Nguyên hay ở nơi nào khác".
Theo tiết lộ của ông Đ., ông có khoảng 500 món đồ từ trầm hương mà 70% trong số đó là trầm có nguồn gốc tự nhiên: "Có những món tôi để mộc (tự nhiên) nhưng cũng có những món đồ, tôi mua về rồi thuê thợ tạo dáng thành ngư phủ, chiến mã, giá để bút, vòng đeo tay, mặt dây chuyền... Và có những món đồ tôi mua lại từ những tay chơi khác hay từ các gia đình từng một thuở giàu có ở Huế và Khánh Hòa nhưng do làm ăn sa sút phải quặn lòng mang vật báu của cha ông bán cho người khác".
2. Ông Mười L., bạn làm ăn và cũng là bạn chơi trầm trong nhóm ông Đ., thì có chia sẻ khác. Cho tôi xem khối trầm khổng lồ nhìn như quần thể núi non trùng điệp, ông L. cho biết khối trầm này hơn 100 năm tuổi, là trầm loại 1 (tốc hương), được khai thác từ núi Hòn Hèo ở Khánh Hòa, và được ông mua lại từ một đại gia ngành địa ốc ở TP HCM gần 10 năm trước.
Ông L. không tiết lộ số tiền mà ông phải trả để có được khối "trầm non nước" tuyệt mỹ nặng gần 5kg này. Ông chỉ nói rằng đó không phải là số tiền nhỏ mà là cả một gia tài: "Một ký trầm loại tốt cũng gần 100 triệu đồng, cứ thế mà nhân lên. Nhưng cái giá trị của khối trầm này không chỉ ở trọng lượng, mà còn có tính mỹ thuật, tính lịch sử nữa kia. Người ta có thể có được khối trầm cao lớn này nọ nhưng đó là trầm được soi từ cây dó bầu qua vun trồng. Chứ khối trầm tự nhiên nhìn như quần thể Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng với núi non trùng điệp, có suối róc rách, có gió mênh mang... thì có lẽ của tôi là cái duy nhất" - ông L., tự hào nói.
Theo ông L., dân chơi trầm hương có rất nhiều xì-tai (style-phong cách) khác nhau. Người thích chơi những tượng chim muông bằng trầm, người hễ biết ai đó bán những món đồ gì liên quan đến trầm xưa, từ thẻ bài, vòng đeo tay, mặt dây chuyền... đến những kiệt tác mỹ thuật cung đình đều cố gắng gom về một mối: "Tôi thì khác, tôi chỉ kết sưu tầm những khối trầm kiểu bon-sai, là những khối trầm có dáng hòn non bộ, nhìn vào thấy ngay núi non, sông gấm, biển hồ với muôn hình vạn trạng".
Trong phòng khách của mình, ông L. bày hàng chục khối trầm non nước với đủ kích cỡ, hình dáng, chủng loại, mùi vị khác nhau. Có khối trầm, ông L. quả quyết có tay chơi đòi đổi cả chiếc xe Mercedes giá tiền tỉ nhưng ông chẳng động lòng. Hướng mắt về khối trầm có nhiều sắc màu nâu, vàng, đen sậm tỏa nhiều hương thơm khác nhau mà qua chiêm ngưỡng, người ta có thể mường tượng đó là hình ảnh của một vịnh Hạ Long thu nhỏ, ông L. gật gù nói đấy là báu vật giá trị nhất trong bộ sưu tập đồ trầm của mình:
"Tôi may mắn có được nó từ một gia đình ở Huế có tổ tiên là quan nhị phẩm triều Vua Tự Đức. Một ngày nào đó tôi sẽ cho anh biết thông tin về khối trầm này, như chiều cao, cân nặng, kích cỡ, nguồn gốc cũng như danh tính của vị quan, kể cả chuyện vì sao ông có được khối trầm khủng này. Tôi cũng sẽ cho anh biết quãng đời lưu lạc, trôi nổi của khối trầm và gia đình của vị quan nhị phẩm nọ gìn giữ nó ra sao. Nói chung là tôi sẽ cung cấp gia phả của khối trầm cho anh, nhưng chuyện đó ở thì tương lai. Còn bây giờ, vì nhiều lý do anh chỉ xem cho biết thôi, tôi khó nói được điều gì lắm".
Lần đầu gặp gỡ nên ông L. không nói gì nhiều. Lúc tiễn khách, ông bộc bạch sở dĩ ông thích sưu tầm trầm khối có dáng hình nước non bởi ông tình cờ biết được một thư tịch cổ nói chuyện vua Nguyên ở Trung Quốc từ ngàn xưa đã biết trọng những khối trầm "giả sơn" (trầm có hình dáng non bộ - PV). Điều ấy được ghi trong sách Nguyên sử, một cổ thư triều Nguyên: "Đất Giao Chỉ, dưới đời Vua Trần, vua cho đem thổ sản sang cống triều Nguyên, vua Nguyên không nhận cả, chỉ lấy có giả sơn bằng gỗ trầm hương (non bộ), thứ chặn giấy bằng ngà voi, giá bút bằng thủy tinh...".
3. Không như giới cổ vật, dân chơi trầm rất kín tiếng. Sự "im hơi lặng tiếng" này theo chia sẻ của hai tay chơi Mười L. và Lê Đ. chẳng phải bởi "chảnh", mà vì đơn giản vì họ không thích khoe khoang: "Nói thiệt với những món đồ cổ, người ta có thể đưa ra các món đồ giả cổ rồi tung hô này nọ, mất cũng chẳng tiếc chứ với những món đồ của tôi, toàn trầm với trầm, chẳng thể giả được, và rất nhiều tiền. Ai chơi món này món kia cũng muốn sẻ chia niềm đam mê của mình với người khác, tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng sợ rằng khi mình lộ dạng, kẻ gian kẻ xấu nó biết nó rình nó chờ cơ hội là nó ra tay... hốt sạch" - ông Đ., biện giải.
Đó là lý do chính mà ông Đ. cùng các dân chơi trầm máu me như ông nhất quyết không chịu đứng trong khuôn hình của tôi cùng những vật báu bằng trầm hương của mình. Tôi hỏi 2 tay chơi, riêng đất Sài Gòn, có bao nhiêu người chơi trầm tầm cỡ như hai ông, cả hai khiêm tốn bảo rằng có thể có những người chơi trầm khiếp đảm hơn mình rất nhiều nhưng hai ông chưa có duyên hạnh ngộ: "Còn cỡ như tôi, theo như tôi biết, có khoảng hơn chục anh em thôi. Dân chơi cổ vật có thể là đàn ông hay đàn bà nhưng với thú chơi trầm, cả thảy đều là đàn ông".
Không như giới cổ vật, dân chơi trầm rất kín tiếng. Sự "im hơi lặng tiếng" này theo chia sẻ của hai tay chơi Mười L. và Lê Đ. chẳng phải bởi "chảnh", mà vì đơn giản vì họ không thích khoe khoang: "Nói thiệt với những món đồ cổ, người ta có thể đưa ra các món đồ giả cổ rồi tung hô này nọ, mất cũng chẳng tiếc chứ với những món đồ của tôi, toàn trầm với trầm, chẳng thể giả được, và rất nhiều tiền. Ai chơi món này món kia cũng muốn sẻ chia niềm đam mê của mình với người khác, tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng sợ rằng khi mình lộ dạng, kẻ gian kẻ xấu nó biết nó rình nó chờ cơ hội là nó ra tay... hốt sạch" - ông Đ., biện giải.
Đó là lý do chính mà ông Đ. cùng các dân chơi trầm máu me như ông nhất quyết không chịu đứng trong khuôn hình của tôi cùng những vật báu bằng trầm hương của mình. Tôi hỏi 2 tay chơi, riêng đất Sài Gòn, có bao nhiêu người chơi trầm tầm cỡ như hai ông, cả hai khiêm tốn bảo rằng có thể có những người chơi trầm khiếp đảm hơn mình rất nhiều nhưng hai ông chưa có duyên hạnh ngộ: "Còn cỡ như tôi, theo như tôi biết, có khoảng hơn chục anh em thôi. Dân chơi cổ vật có thể là đàn ông hay đàn bà nhưng với thú chơi trầm, cả thảy đều là đàn ông".
Với người ngoại đạo, chuyện dân chơi trầm toàn đàn ông nghe thì thấy lạ nhưng với dân chơi trầm, điều ấy dễ giải thích: "Bởi trầm hương là vật thiêng và sạch sẽ, khí chất kị nữ giới, dân đi trầm trước khi vào rừng tuyệt đối không gần đàn bà, và thai phụ tuyệt đối không được gần trầm - kỳ, nếu uống dù chỉ một giọt rượu trầm sẽ gây biến chứng trụy thai nguy hại".
Trong khu vườn rợp bóng đại thụ nằm giữa trung tâm thành phố, hai đại gia chơi trầm giải thích như thế và kể nhiều chuyện lọc lừa quanh thú chơi trầm khi nhiều con buôn tung các chiêu nhuộm màu những khối gỗ rồi "tắm" tinh dầu trầm hay đục lõi đổ chì vào khối trầm thật để tăng trọng lượng...
Chiều muộn, gió về, ông Đ. kéo khách vào căn phòng cổ kính thơm lựng hương trầm lấy một thỏi trầm mồi lửa, khói trầm thơm ngát, có vị cay, vị ngọt, vị nồng mà theo ông Đ., đó là vị tinh túy của núi rừng. Rồi ông lấy bình rượu quý được ngâm từ trầm lõi, được hạ thổ tại một con suối ở Tây Nguyên mời khách. Rượu trầm như khói hương trầm, thơm cay, ngọt đắng, sảng khoái vô cùng: "Khi trời đổ mưa, đổ gió bao giờ cũng lạnh, mà rượu trầm thì ấm, nên mình dùng rượu trầm giúp âm dương hòa hợp, thần minh nhờ vậy mà sáng lên, gió độc vì thế mà tan biến" - ông Đ. vừa "phiêu" vừa tả.
Tôi là người ngoại đạo, chẳng rành rẽ về trầm - kỳ. Nhưng bây giờ, thì tôi đã phần nào biết vì sao dân chơi trầm cấp độ cao ví von thú chơi của họ là cái thú đẳng cấp vượt trên mọi đẳng cấp!
Ng. Thành Dũng - Báo CAND