Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai...
Nguyễn Du đã dụng ý lấy thứ hương thơm tinh khiết nhất của đất trời để biểu trưng cho cốt cách nàng Kiều.
Từ đầu thế kỷ XX, học giả Phạm Quỳnh có câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” – để thấy Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong đời sống của người Việt.
Lần giở lại 3254 câu thơ trong truyện Kiều, thấy thú vị là: vào những thời điểm quan trọng trong mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng, nhà thơ Nguyễn Du luôn nhắc đến hương trầm. Đốt hương trầm là nét văn hóa phổ biến trong đời sống sinh hoạt của người xưa, nhưng để hương trầm xuất hiện vào các thời điểm quan trọng thì Nguyễn Du hẳn có ẩn ý riêng…
Trong không gian của buổi gặp gỡ lần đầu tiên, Kim Trọng không nhìn thấy Kiều mà chỉ nhặt được cành kim thoa của Kiều. Và khi về ngắm cái kim thoa thì thấy “hương trầm chưa phai”. Ở đây, rõ ràng Nguyễn Du đã lấy hương trầm thanh tao, thuần kiết và cao quý để biểu trưng cho nàng Kiều. Nguyễn Du đã để cho Kim Trọng biết đến Kiều đầu tiên qua cốt cách của nàng chứ không phải qua hình dáng.
“Ngẫm âu người ấy báu này,
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!
Liền tay ngắm nghía biếng nằm,
Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai”.
Kim Trọng sau khi biết chuyện Kiều “bán mình chuộc cha”, thì “tỉnh ra rồi khóc khóc rồi lại mê”. Và trong không gian nhớ thương ấy, Nguyễn Du lại để cho hương trầm hiện diện:
“Nỗi nàng nhớ đến bao giờ
Tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng.
Có khi vắng vẻ thư phòng,
Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa.
Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ
Trầm bay nhạt khói gió đưa lay rèm”.
Để sau đó, Kim Trọng quyết định lên đường đi tìm Kiều. Trải qua 15 năm trường đầy biến cố, dù Kiều tự nhận bản thân “Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa”, nhưng vì Kim Trọng yêu Kiều bởi cốt cách của nàng nên “Gương trong chẳng chút bụi trần/Một lời quyết hẳn muốn phần kính thêm”. Và trong không gian của sự trùng phùng, một lần nữa Nguyễn Du lại để hương trầm hiện diện. Và lúc này Kiều chính là hương trầm, hương trầm cũng chính là Kiều.
“Phím đàn dìu dặt tay tiên,
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.
Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?”
Như vậy có thể thấy ngay từ đầu, Nguyễn Du đã dụng ý lấy thứ hương thơm tinh khiết nhất của đất trời để biểu trưng cho cốt cách nàng Kiều. Dù có trải qua “dâu bể trăm bề” thì cốt cách cao quý, thuần khiết, thanh tao của nàng vẫn “chẳng chút bụi trần”.
Giới Đức Hương