Danh xưng Champa
Champa là một thuật ngữ có nguồn gốc Ấn Độ, đó là sự mô phỏng một địa danh Phạn ngữ mà người Chăm chịu ảnh hưởng trong quá trình tiếp xúc với văn minh Hindu (M. Vickery 2005, p. 16 ).
Champa là một thuật ngữ có nguồn gốc Ấn Độ, đó là sự mô phỏng một địa danh Phạn ngữ mà người Chăm chịu ảnh hưởng trong quá trình tiếp xúc với văn minh Hindu (M. Vickery 2005, p. 16 ). Cũng theo Vickery, sự lựa chọn cái tên Champa của cư dân bản địa có nhiều kiến giải. Trong khi Finot cho rằng cái tên đó do những người Ấn Độ đem đến, thì Stein tin tưởng rằng cái tên đó do chính người bản địa lựa chọn sau các chuyến hải trình đến Ấn Độ (M. Vickery 2005, p. 16 ). Dù được lựa chọn hay bị lựa chọn, sự xuất hiện của danh xưng Champa ở miền Trung Việt Nam và sau đó trở thành quốc hiệu chung của các vương quốc ở vùng này là một cách tiếp thu các địa danh có nguồn gốc Ấn Độ điển hình để đặt tên cho các vùng, tiểu quốc của các chính thể bản xứ như tên gọi Amarawati (Quảng Nam, Đà Nẵng), Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận) (L. Finot 1903, p. 639; G. Arlo – W.A. Southworth 2011, pp. 285 – 286 )… Champa còn là tên khoa học của loài hoa sứ hay hoa đại thường trồng ở vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự liên kết giữa quốc hiệu Champa và loài hoa này là không khả thi vì nước láng giềng Lào cũng được gọi là xứ sở hoa Champa.
Danh xưng Champa xuất hiện lần đầu tiên trong các bia ký vào khoảng thế kỷ thứ VII. Bia ký C96 ở Mỹ Sơn (ghi nhận niên đại 658 CN), có lẽ là bia ký đầu tiên đề cập đến Champa với danh từ Campapuryyam (thành phố Champa), Campapuraparamesvara (chúa tể của thành phố Champa) (L. Finot 1904, pp. 918, 921; R. Majumdar 1927, p. 21, 26), Campanagara (vương quốc Champa) (L. Finot 1904, pp. 921; R. Majumdar 1927, pp. 25) và Campesvara (chúa tể của Champa) (L. Finot 1904, pp. 921; R. Majumdar 1927, pp. 26). Một bia ký khác không rõ thời điểm nhưng dường như cùng thời với bia ký C96, cũng tại Mỹ Sơn, là bia C73 nhắc đến danh xưng Campadesa (người mang lại sự thịnh vượng cho đất nước Champa) (R. Majumdar 1927, pp. 12). Sự phổ cập của danh xưng Champa không chỉ tập trung ở Mỹ Sơn mà còn xuất hiện ở Huế thông qua văn bia của vua Kandarpadharma (R. Majumdar 1927, pp. 13; A. V. Schweyer 2011, p. 204). Danh xưng Champa càng lan rộng hơn nửa đến tận vương quốc của người Khmer, thông qua một bia ký ghi nhận rằng vào năm 667, người trị vì Champa (Campesvara) đã cử một sứ bộ đến Campuchia (M. Vickery 2005, p. 26; Lafont 2011, tr. 141).
Trong hai thế kỷ tiếp theo, hầu hết các văn bia của Champa chỉ tập trung một cách bất thường ở phía Nam, khi mà thế lực của các thủ lĩnh miền Nam nổi lên mạnh mẽ. Trong đó hai bia ký cổ nhất ở Ninh Thuận là Yang Tikuh (C25) có đề cập đến niên đại 799 và bia Glai Lamow (C24) có ghi nhận niên đại 801. Cả hai văn bia này đều xưng tụng lần lượt là Indravarman và Psthivindravarman là người cai trị toàn Champa (R. Majumdar 1927, p. 48, 56). Một bia ký khác, ghi nhận niên đại 817, thuộc đền thờ Po Inâ Nâgar (thường được ghi sai là Pô Nagar hay Pô Nưgar) tại Nha Trang. Bia ký C31 ghi nhận một danh xưng đặc biệt chưa từng thấy là Rajadiraja Sri Campapura Paramesvara, ám chỉ vị chúa tể tối cao của Champa (R. Majumdar 1927, p. 63; A. V. Schweyer 2005, p. 104). Một điểm đáng chú ý là các danh xưng trên đều chỉ được truy phong cho các vị vua trên, nó được khắc ở một thời điểm sau dưới triều Vikrantavarman, tức là các danh xưng liên quan đến Champa ở các bia ký miền Nam chỉ xuất hiện khoảng thế kỷ thứ IX.
Danh xưng Champa, dù chỉ một đất nước, vùng lãnh thổ hay được gán ghép thành một liên từ chỉ người đứng đầu, người trị vì hay vua, xuất hiện từ thế kỷ thứ VII, phổ biến nhanh chóng ở khu vực Quảng Nam và được ghi nhận một cách chắc chắn ở bia ký Campuchia cho thấy nó đã trở thành một quốc hiệu của vương quốc ở Quảng Nam. Đây có thể được xem là điểm khởi đầu của Champa. Sự lan tỏa mang tính kế tục và phổ cập của danh xưng Champa trong hai thế kỷ tiếp theo ở vùng Panduranga cho thấy danh xưng này đã được thừa nhận để chỉ toàn bộ các chính thể độc lập từ Quảng Nam đến tận vùng Ninh Thuận hiện nay, các vị thủ lĩnh ở phương Nam luôn tôn xưng hoặc được tôn xưng là người đứng đầu, vị lãnh chúa hay chúa tể của Champa.
Trích theo "Khởi nguồn của Champa: Một tiếp cận dựa trên sử liệu phi truyền thống" - Tác giả Đổng Thành Danh
Nguồn Ngiencuuquocte.org