Cửu đỉnh nhà Nguyễn có khắc Kỳ nam, Trầm hương
Là bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới, Cửu Đỉnh nhà Nguyễn trạm khắc những sản vật quý hiếm của Việt Nam trong đó có Kỳ nam và Trầm hương.
Cửu đỉnh - 9 chiếc đỉnh đồng lớn được đúc tại kinh thành Huế dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn được coi như biểu trưng và là pháp khí của triều đình nhà Nguyễn đương thời. 9 chiếc đỉnh này được an vị tại sân chầu trước Thế Tổ Miếu, phía sau Hiển Lâm Các trong Hoàng Thành (Đại Nội) - kinh thành Huế.
Cửu Đỉnh được đúc bằng đồng nguyên khối. Trên thân từng đỉnh chạm khắc nổi 18 hình gồm 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư với rất nhiều chủ đề về vũ trụ, danh lam thắng cảnh, chim thú, sản vật quý hiếm…
Hình tượng cây Trầm hương được khắc phía dưới của Cao đỉnh - chiếc đỉnh đầu tiên đặt chính giữa tượng trưng cho sự vĩ đại. Hình tượng cây Kỳ nam được khắc phía trên của Nhân đỉnh - chiếc đỉnh thứ hai đặt hàng thứ nhất bên trái tượng trưng cho lòng nhân ái.
Nhắc đến Cửu đỉnh phải nói tới vị vua đã cho đúc ra 9 cái đỉnh này. Đó là vua Minh Mạng.
Minh Mạng là vị vua có ước vọng củng cố và phát triển nghiệp đế của nhà Nguyễn. Khi nghĩ ra việc đúc Cửu đỉnh, vua Minh Mạng đã nói với Nội các: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã trụ lại, thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng lên cống đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thật to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng, nay muốn phỏng theo đời xưa: đúc 9 cái đỉnh để ở nhà Thế Miếu. Đó là để tỏ ý mong muốn rằng muôn năm bền vững, đời truyền đời sau.” (Đại Nam thực lục).
Việc đúc bắt đầu từ năm 1835 đến năm 1837 thì hoàn thành. Với ý đồ đúc Cửu đỉnh là để khẳng định nghiệp đế vương muôn năm bền vững, “Cửu đỉnh” ứng với “cửu tộc”: được khởi đầu từ Cao (thế hệ mở đầu coi như đỉnh chóp) đến cuối cùng là Huyền (thế hệ sau cùng chỉ nơi thâm sâu), khép kín 1 chu kỳ để đi vào cõi vĩnh hằng. Từ Cao đến Huyền trong hệ thống thế thứ lịch đại, mỗi thế hệ tượng trưng cho một đức tính tốt: Nhân (hiền lành, điều thiện); Chương (giá trị chuẩn mẫu); Anh (vinh diệu nổi tiếng); Nghị (cứng rắn, cương quyết); Thuần (hoàn thiện, thanh khiết); Tuyên (truyền cảm tốt đẹp); Dụ (nguồn gốc sự thịnh vượng). Vua Minh Mạng cũng muốn dành tên đỉnh làm tên thụy tức miếu hiệu được đặt ra sau khi chết của các vua nhà Nguyễn.
Cửu đỉnh hàm chứa quyền lực vương triều bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ và thiên nhiên của đất nước. Cho nên, Cửu đỉnh được coi là bộ “Địa dư chí” được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta thế kỷ 19.