Cọp "nghiện" trầm
Mỗi lần đi tìm trầm người đi địu phát hiện dấu chân cọp thì khu vực xung quanh sẽ có trầm, nhất là quanh khu vực hang cọp ở sẽ có trầm hương.
Trong hồi ký Xứ Đông Dương của Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương lừ 1897-1902) xuất bản lần đầu năm 1904, ông cho biết đến Khánh Hòa lần đầu tiên vào năm 1897 trên chuyến tàu biển khởi hành từ Huế. Trong ký ức của viên toàn quyền người Pháp, Khánh Hòa không giàu, cũng không đông dân, nhưng động vật hết sức đa dạng. Các sĩ quan người Pháp khi cập tàu vào Nha Trang đã gọi đây là "vùng hổ". "Chúng thống trị tuyệt đối và không thể thách thức tại các vùng quanh Nha Trang và cả ở những vùng đất xa về phía Bắc và phía Nam... Một khi lãnh thổ đã thuộc về chúng, chẳng có gì khiến chúng phải e ngại. Ai muốn giữ mạng thì hãy chạy hoặc trốn", Paul Doumer viết.
Người Nha Trang xưa cũng tương truyền 2 câu thơ của nhà nho Thuần Phu Trần Khắc Thành: "Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt. Phước Hải xuân về cọp thưởng mai". Những người lớn tuổi, cho biết khoảng trước năm 1954, khu vực phường Phước Hải (TP Nha Trang) có một rừng mai khá lớn. Mỗi khi xuân về, mai nở vàng rực cả một vùng. Nhiều người lên rừng lấy mai về chơi đã trông thấy cọp lững thững ở khu vực này. Tuy nhiên, cọp dường như chỉ "thưởng thức" vẻ đẹp của mùa xuân, chứ không hề tấn công người.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tân, một người đi địu (tìm trầm) ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) lại lý giải sở dĩ khu vực Khánh Hòa thời trước cọp nhiều vì cọp "nghiện" mùi trầm hương. Mỗi lần đi tìm trầm người đi địu phát hiện dấu chân cọp thì khu vực xung quanh sẽ có trầm, nhất là quanh khu vực hang cọp ở sẽ có trầm hương. "Trầm hương thường phát sinh từ khu vực có nhiều gió, nên thường ở các khu vực hẻm núi, khe nước rất khó di chuyển. Mùi trầm khiến cọp rất thích sống gần. Cũng có thể mùi trầm sẽ át được mùi của "Chúa sơn lâm" nên việc săn mồi dễ dàng hơn"- ông Tân nhận định.
Theo bài “Ly kỳ tục thờ “Ông Cọp” ở Khánh Hòa/Báo Người lao động