Kỳ nam dưới triều Nguyễn
Dưới triều đại nhà Nguyễn. Kỳ nam và Trầm hương rất được các vua Nguyễn sử dụng như một loại quà tặng đặc biệt trong ngoại giao với các nước lân bang và ban cho các công thần có công với triều đình.
Qua tư liệu sử sách, có thể thấy, trong các triều đại phong kiến thì nhà Nguyễn được coi là triều đại coi trọng kỳ nam, trầm hương bậc nhất. Là sản vật vô cùng quý hiếm nên chỉ nhà vua mới có quyền được sử dụng và ban thưởng.
Mộc bản triều Nguyễn - một di sản tư liệu thế giới còn lưu giữ nhiều bản khắc ghi về sản vật kỳ nam của vùng đất Khánh Hòa xưa: “Kỳ nam được sản xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh là hạng tốt nhất, sản xuất từ Phú Yên và Quy Nhơn là thứ 2…”.
Trong suốt thời gian trị vị, các vua nhà Nguyễn đã tăng cường khai thác và giao thương kỳ nam, trầm hương với các nước khác. Các vua Nguyễn sử dụng kỳ nam, trầm hương như một loại quà tặng đặc biệt trong ngoại giao với các nước lân bang và ban cho các công thần có công với triều đình.
Ngay từ thời Gia Long, nhà vua đã lập các đội quân ở Khánh Hòa để đi lấy kỳ nam. Đối với các đội quân và cá nhân đi lấy được kỳ nam về cống nạp, Gia Long luôn ưu đãi và miễn dịch cho họ. “Miễn dao dịch cho 11 người dân xã An Thành trấn Bình Hòa, sai hằng năm đi lấy kỳ nam về nộp, nếu không có thì nộp thay trầm hương mỗi người 8 lạng”.
Đặc biệt vua Gia Long cũng cấm thuyền buôn nước ngoài mua kỳ nam. Năm Quý Hợi (1803) vua ban hành điều lệ rõ ràng: “Phàm thuyền buôn nước ngoài đến buôn, thì trầm hương, kỳ nam đều không được mua (...) Làm trái thì bị tội…”
Dưới triều vua Minh Mạng, vua cũng khuyến khích người dân Bình Hòa đi lấy kỳ nam. Tuy nhiên, vua có quy định là nếu lấy được kỳ nam thì phải đem nộp hết để tính trừ vào thuế, nếu giấu đi hoặc bớt thì bị tội.
Để lấy được kỳ nam cống vua, không ít người dân Khánh Hòa xưa đã để lại nắm xương tàn nơi rừng sâu, núi thẳm. Trước tình cảnh đó, vị vua thứ 4 triều Nguyễn đã ban dụ khẩn cấp cho tỉnh Khánh Hòa: “Tha thuế kỳ nam cho tỉnh Khánh Hòa (…) Gia ơn tạm tha cho, ngõ hầu không khổ dân”.
Trích lược theo nguồn tư liệu Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV