Theo các nguồn sử liệu cùng những tài liệu khai quật khảo cổ học cho biết, ngay từ những năm đầu của lịch sử hình thành, trên dải đất miền Trung đã có nhiều nhóm người Chăm cư trú trên các vùng đất khác nhau. Tài liệu ghi chép về những nhóm người Chăm phía Bắc bị nhà Hán xâm lược đô hộ lập nên huyện Tượng Lâm của quận Nhật Nam, mà sau này họ khởi nghĩa giành thắng lợi lập nên nhà nước độc lập Lâm Ấp (Lin Y) trên vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam ngày nay.
 
Những cộng đồng người Chăm phía Nam vẫn sống độc lập với tổ chức nhà nước sơ khai ban đầu. Các cuộc khai quật khảo cổ học tại Đồng Nghệ (Quảng Ngãi), Khe Ông Dầu (Phú Yên), Hòa Diêm (Khánh Hòa) với số lượng đồ gốm phong phú, mang đặc trưng riêng của vùng đất đã cho biết ở đây có những nhóm người Chăm cư trú khác nhau và có mối quan hệ với nhau. Bia ký Champa cũng cho biết người Chăm xưa có hai tộc người chính là tộc Kau và tộc Dừa, giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và tinh thần của người Chăm trong lịch sử.
 
 
Điều kiện không gian mở với biển, điều kiện tự nhiên kinh tế nhiệt đới phong phú có giá trị đã mang lại cho dải đất miền Trung sức sống. Những năm đầu Công nguyên, vùng đất Champa đã xuất hiện các thuyền buôn ngoại quốc đến đây mua bán trao đổi. Các gương đồng thời Hán có mặt từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã nói lên luồng thương mại từ Bắc xuống Nam. Các mảnh gốm Ấn Độ có mặt tại Quảng Nam đã cho biết mối quan hệ buôn bán xa theo dòng từ Nam đến Bắc, dấu hiệu manh nha xuất hiện con đường gốm sứ tơ lụa trên biển mà vùng biển Champa là nơi hội tụ. Sự giao thương là “cú hích” cộng với sự hội nhập văn hóa bản địa đã hình thành văn hóa Champa trong lịch sử và tồn tại theo suốt chiều dài lịch sử.
 
Trước hết văn hóa Champa có nguồn gốc là văn hóa bản địa kết hợp với sự hội nhập của văn hóa tôn giáo Ấn Độ. Chối từ mô hình văn hóa Hán, tiếp thu chấp nhận mô hình văn hóa Ấn “Dân tộc Chàm đồng hóa nhanh với nền văn minh ấy; họ theo tôn giáo và phong tục, chữ viết và tư tưởng; hành chính và pháp luật của nền văn minh ấy”. Người Chăm đã tổ chức xã hội theo địa hình và vùng cư trú “Champa được chia thành 5 vùng giống như 5 công quốc: Indrapara, Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga. Các văn bia khắc đá và các văn bản khác cho thấy Champa được tổ chức theo kiểu giống quốc gia liên bang hoặc hợp bang hơn là một quốc gia quân chủ thống nhất”. “Một số công quốc có thể tương ứng với các tỉnh do tổ chức Chăm giữ lại: Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga…” Trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa, với nền cảnh chung là tôn giáo có nguồn gốc Ấn Độ, trên các vùng Champa hình thành nên hệ thống cơ sở xã hội và văn hóa tương đồng nhau, đó là hệ thống thành thị - Trung tâm kinh tế chính trị văn hóa của vùng đất. Hệ thống thương cảng, nơi giao lưu buôn bán trong và ngoài vùng. Trung tâm tôn giáo, các cơ sở thờ phụng tôn giáo: tháp thờ, đền thờ.
 
Hệ thống di tích này nằm theo trục Đông - Tây, dọc theo các dòng sông lớn trong khu vực làm nên một chỉnh thể văn hóa chung. Có thể thấy, hệ thống di tích này theo các dòng sông lớn tại các vùng như sau:
Quảng Trị: cảng Cửa Việt - thành Thuận Châu - trung tâm tôn giáo tháp Dương Lệ theo trục sông Thạch Hãn.
Thừa Thiên Huế - cảng Tư Hiền - thành Lồi - trung tâm tôn giáo Văn Trạch Hòa (Phong Điền), theo trục hệ thống sông Hương - Ô Lâu.
Quảng Nam - cảng Đại Chiêm - thành Trà Kiệu - trung tâm tôn giáo Mỹ Sơn, theo trục sông Thu Bồn.
Quảng Ngãi - cảng Sa Kỳ - thành Châu Sa - trung tâm tôn giáo Chánh Lộ, theo trục sông Trà Khúc.
Bình Định - cảng Thi Nại - thành Trà Bàn - trung tâm tôn giáo tháp Bánh Ít, theo trục hệ thống sông Kon - Hà Thanh.
Phú Yên - cảng sông Đà Rằng - thành Hồ - trung tâm tôn giáo Hòn Mốc, theo trục sông Đà Rằng.
Khánh Hòa - cảng cửa sông Cái - thành (?) - trung tâm tôn giáo Ponaga, theo trục sông Cái.
Ninh Thuận - cảng Phan Rang - thành Virapura (?) - trung tâm tôn giáo Hòa Lai (?), theo trục sông Dinh.
Bình Thuận - cảng Phan Thiết - thành Song Lũy - trung tâm tôn giáo (?), theo trục sông Song Lũy.
 
Như vậy, bên cạnh các vùng đã tìm thấy đầy đủ dấu tích của 3 trung tâm văn hóa Champa trên mỗi vùng đất, đặc biệt là các vùng đất định đô cũ như Quảng Nam, Bình Định, hay các vùng quan trọng như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên; thì cũng có nhiều vùng chưa xác định rõ đủ mặt 3 trung tâm, nhưng chắc chắn cũng nằm trong quy luật chung này. Những di tích này cho thấy tính thống nhất văn hóa của Champa trên toàn lãnh thổ, nhưng cũng cho thấy tính độc lập trong mỗi khu vực, tạo nên sự đa dạng của văn hóa trong lịch sử. Đây cũng là cơ sở vật chất để góp phần đưa ra nhận định thể chế Champa là một quốc gia liên bang gồm nhiều tiểu quốc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
 
Theo "Văn hóa Champa - tính thống nhất và đa dạng" của tác giả Lê Đình Phụng - Tạp chí Di sản văn hóa - số 3 (36) - 2011.
Từ khóa: