Truyền thuyết về Thiên Y A Na – vị tổ của ngành Trầm Hương Việt Nam
Bà Thiên Y A Na – mẹ xứ sở ở Tháp Bà Poh Nagar, theo truyền thuyết là hóa thân từ một khúc trầm hương hoặc có liên quan đến khói trầm hương.
Theo trong biên khảo “Xứ trầm hương” của Quách Tấn: Người Khánh Hòa, nhất là người đi địu (đi tìm trầm trên rừng), tin rằng trầm hương là của Bà Thiên Y A Na (mẹ xứ sở ở Tháp Bà Poh Nagar). Bà cho ai thì người ấy được. Bằng Bà không cho thì dù đứng một bên cũng không tìm thấy. Có đôi kẻ có phước, không cố tâm đi tìm mà tự nhiên Bà cho hưởng lộc. Lại truyền rằng Bà có bốn cây trầm hương kỳ cựu trấn bốn phương: Một ở Ðồng Bò trấn phía Nam; một ở Hòn Bà (Ninh Hòa) trấn phía Bắc; một ở Hòn Dữ (Diên Khánh) trấn phía Tây; một ở Suối Ngổ trấn phía Ðông. Những cây trầm nầy không còn lá không còn giác, mưa nắng không thể làm hư mục được. Và có chim rừng canh, cọp rắn giữ. Hễ ai trông thấy mà có ý muốn chiếm hữu thì liền bị “lính canh giữ của Bà” đánh đuổi. Bởi vậy trước khi đi tìm trầm, người đi địu phải dâng lễ cầu khấn Bà. Và trong những rừng nào có nhiều cây gió đều có miếu, có am thờ Bà do những người đi địu lập, để tiện việc cúng kính trước khi vào rừng.
Truyền thuyết về Bà Thiên Y A Na được viết trong “Xứ trầm hương” như sau:
Xưa kia tại núi Đại An (tức Đại Điền hiện tại) có hai vợ chồng ông tiều đến cất nhà và vỡ rẫy trồng dưa nơi triền núi. Dưa chín thường hay bị mất. Một hôm ông rình, bắt gặp một thiếu nữ trạc chừng chín mười tuổi hái dưa, dồi giỡn dưới trăng. Thấy cô gái dễ thương, ông đem về nuôi. Hai ông bà vốn không có con cái, nên đối với thiếu nữ thương yêu như con ruột.
Một hôm trời mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, thiếu nữ lấy đá chất thành ba hòn giả sơn và hái hoa lá cắm vào, rồi đứng ngắm làm vui. Cho rằng hành vi của con không hợp với khuê tắc, ông tiều nặng tiếng rầy la. Không ngờ đó là một tiên nữ giáng trần đương nhớ cảnh Bồng Lai. Đã buồn thêm bực! Nhân thấy khúc kỳ nam theo nước nguồn trôi đến, tiên nữ bèn biến thân vào khúc kỳ, để mặc cho sóng đưa đẩy. Khúc kỳ trôi ra biển cả rồi tấp vào đất Trung Hoa. Mùi hương bay ngào ngạt. Nhân dân địa phương lấy làm lạ, rủ đến xem. Thấy gỗ tốt xúm nhau khiêng, nhưng người đông bao nhiêu cũng không giở nổi.
Thái Tử Bắc Hải nghe tin đồn, tìm đến xem hư thực. Thấy khúc gỗ không lớn lắm, lẽ gì nặng đến nỗi không giở lên. Thái Tử bèn lấy tay nhắt thử. Chàng hết sức lạ lùng vì nhận thấy khúc gỗ nhẹ như tờ giấy! Bèn đem về cung, trân trọng như một bảo vật.
Một đêm, dưới bóng trăng mờ, Thái Tử thấy có bóng người thấp thoáng nơi để khúc kỳ nam. Nhưng lại gần xem thì tư bề vắng vẻ, bên mình chỉ phảng phất một mùi hương thanh thanh từ khúc kỳ bay ra. Chàng quyết rình xem suốt mấy đêm liền không hề thấy gì khác lạ. Chàng không nản chí. Rồi một hôm, đêm vừa quá nửa, bốn bề im phăng phắc, một giai nhân tuyệt sắc theo ngọn gió hương ngào ngạt, từ trong khúc kỳ nam bước ra. Thái Tử vụt chạy đến ôm choàng. Không biến kịp, giai nhân đành theo Thái Tử về cùng và cho biết rõ lai lịch. Giai nhân xưng là Thiên Y A Na.
Thái Tử vốn đã trưởng thành, nhưng chưa có lứa đôi vì chưa chọn được người xứng ý. Nay thấy A Na xinh đẹp khác thường, bèn tâu cùng phụ hoàng xin cưới làm vợ. Nhà vua sai bói cát hung. Trúng quẻ “đại cát”, liền cử lễ thành hôn. Vợ chồng ăn ở với nhau rất tương đắc và sanh được hai con, một trai một gái, trai tên Trí, gái tên Quý, dung mạo khôi ngôi. Thời gian qua trong êm ấm. Nhưng một hôm, lòng quê thúc giục, Thiên Y bồng hai con nhập vào khúc kỳ nam, trở về làng cũ...
Núi Đại An còn đó nhưng vợ chồng ông tiều đã về cõi âm. Thiên Y bèn xây đắp mồ mả cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để phụng tự. Thấy dân địa phương còn dã man, bà đem văn minh Trung Hoa ra giáo hoá: dạy cày cấy, dạy kéo vãi dệt sợi... và đặt ra lễ nghi... Từ ấy ruộng nương mở rộng, đời sống của nhân dân mỗi ngày mỗi thêm phú túc phong lưu. Công khai hoá của bà chẳng những ở trong địa phương, mà các vùng lân cận cũng được nhờ. Rồi một năm vào ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, một con chim hạc từ trên mây bay xuống, bà cùng hai con lên lưng hạc bay về tiên. Nhân dân địa phương nhớ ơn đức, xây tháp tạc tượng phụng thờ. Và mỗi năm vào ngày bà thăng thiên, tổ chức lễ múa bóng dâng hoa rất long trọng.
Ở Bắc Hải, Thái Tử trông đợi lâu ngày không thấy vợ con trở về, bèn sai một đạo binh dong thuyền sang Đại An tìm kiếm. Khi thuyền đến nơi thì bà đã về Bồng Đảo. Người Bắc Hải ỷ đông, hà hiếp dân địa phương ngờ rằng dân địa phương nói dối, bèn hành hung. Lại không giữ lễ, xúc phạm thần tượng. Nhân dân bèn thắp hương khấn vái. Liền đó gió nổi đá bay, đánh đắm đoàn thuyền của Thái Tử Bắc Hải.