Siva giáo là tôn giáo chính thống của vua chúa Champa
Thế kỷ VII, Ấn Độ giáo mà chủ yếu là Siva giáo đã trở thành tôn giáo chính thống của vua chúa Champa.
Thế kỷ VII, Ấn Độ giáo mà chủ yếu là Siva giáo đã trở thành tôn giáo chính thống của vua chúa Champa. Dưới vương triều đầu tiên của vương quốc Champa: Vương triều Gangaraji (cuối thế kỷ II-đầu thế kỷ IX) những tôn giáo chính của Ấn Độ như: Phật giáo và Ấn Độ giáo đã phổ biến rộng ở khu vực phía bắc của Champa. Nhưng đến khoảng thế kỷ XI cả hai tôn giáo này không chỉ cùng tồn tại mà còn cùng hoà vào nhau, không bài xích nhau theo ý niệm của người theo tôn giáo này hay tôn giáo kia.
Tôn giáo Champa thời kỳ này gần như là Nhị giáo đồng nguyên. Nhưng Siva giáo vẫn là chính thống của vương triều, quốc gia. Có thể thấy rất rõ quá trình hoà nhập các hình thức Ấn Độ vào tôn giáo, tín ngưỡng bản địa của người Chăm. Tính Siva giáo vẫn bao trùm toàn bộ tôn giáo, vương triều hoặc quốc gia của Champa.
Tín ngưỡng của người Chăm trước khi tôn giáo của Ấn Độ gia nhập vào cho đến nay vẫn chưa có tư liệu rõ ràng. Trên cơ sở tài liệu của nền văn hoá Sa Huỳnh ta có thể thấy những mộ chum điên hình và có chóp theo đồ tuỳ táng. Mang đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước, có lẽ người Chăm cũng như tộc người khác có tín ngưỡng đa thần giáo.
Ban đầu, các đền tháp có chức năng thờ Tam vị nhất thể (TrimurfI, Sava, Brahma, Visnu) theo tín ngưỡng Balamôn; càng về sau, người Chăm càng suy tôn thần Siva và hình thành nên Siva giáo với tổng thể kiến trúc thường chỉ một tháp thờ thần Siva hoặc được một bố cục gồm tháp ở vị trí tung tâm hay trên trục trung tâm và các tháp phụ khác quy mô nhỏ hơn.
Sức mạnh văn hoá bản địa của văn hoá Champa và sự suy tôn thần Siva được thể hiện qua kiến trúc được mô phỏng bằng hình tượng Linga-Yoni. Người Chăm đã tạc những mẫu tượng Linga-Siva hoặc kết hợp thần Siva và vợ là Uma đề hình thành ngẫu tượng Siva-Uma vừa có râu, vừa có vú… Trong tín ngưỡng Champa xuất hiện một hình thức mới-tín ngưỡng thần-vua, và các đền tháp ngoài chức năng thờ thần còn có chức năng thờ vua Champa.
Phật giáo được đoán định vào Champa khoảng thế kỷ IX trong vương triểu Indrapura với kinh đô Đồng Dương. Đồng Dương được coi là “trung tâm phật giáo Champa”, là tu viện quan trọng của phật giáo Đại Thừa ở Đông Nam Á thế kỷ thứ IX- X. Điêu khắc Champa trước thế kỷ VII gần gũi một cách kỳ lạ với truyền thống nghệ thuật Amaravati của Án Độ, chỉ từ nửa thập niên thứ 2 của thế kỷ VII thì nền nghệ thuật điêu khắc Chăm mới bộc lộ những cá tính riêng biệt của mình.
Đặc trưng lớn nhất và chung nhất cho điêu khắc của Champa là xu thế hướng tới tượng tròn của hầu như tất cả những hình chạm khắc dưới dạng phù điêu. Điêu khắc Champa mang tính của nền nghệ thuật ấn tượng nhiều hơn là tả thực. Tính ấn tượng có thể nói là đặc điểm lớn thứ hai tạo nên về đẹp độc đáo của nghệ thuật điêu khắc của Champa.
Trích theo “Một số tương đồng - dị biệt trong dấu ấn tiếp biến văn hoá Ấn của Champa - Phù Nam” - Tác giả Nguyễn Tuấn Hùng