Tích trượng là một trong 18 pháp khí linh thiêng trong đạo Phật. Thời xưa, chư Phật và đệ tử đi khất thực, thuyết pháp thường mang theo cây tích trượng.

Tích trượng có hai công dụng. Một là, khi đến trước cửa nhà người, thì rung tích trượng reng reng để người trong nhà biết mà mang thức ăn ra cúng dường. Hai là, dung nó trong lúc đi đường. Bởi Ấn Độ thời xưa rắn rết rất nhiều, nhất là những con đường có cây cỏ bụi rậm um tùm nên cần phải dùng gậy xua đuổi chúng nó để khỏi bị họa hại.

Khi còn tại thế, Đức Phật giải thích: Tích có nghĩa là Khinh (nhẹ), có nghĩa là nhờ chiếc gậy đức hạnh và trí tuệ nầy mà phiền não được nhẹ đi và sớm ra khỏi cảnh sanh tử luân hồi. Tích cũng có nghĩa là Minh (sáng), nghĩa là được trí huệ sáng suốt, là hết khổ não. Tích trượng cũng còn có tên là Đức trượng, nghĩa là nhờ chiếc gậy trí huệ và đức độ này mà người xuất gia học đạo hướng đến được quả vị giải thoát.

Trên đầu tích trượng có 12 vòng khoen, tượng trưng cho 12 Nhân Duyên mà Đức Phật đã giác ngộ được để chứng thành đạo quả. Mười hai Nhân Duyên đó là: "Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão tử". Vì nhận biết được 12 Nhân Duyên này mà Ngài đã giác ngộ thành Phật. Từ đó, Ngài đem lý 12 Nhân Duyên để cảnh tỉnh hóa độ chúng sanh. Nếu ai muốn thoát khổ thì trước tiên cũng phải ngộ được lý 12 Nhân Duyên này.

Địa Tạng Vương Bồ Tát tay phải cầm Tích trượng để biểu dương sức mạnh của Chánh Pháp. Năng lực của Tích trượng là tâm đại từ đại bi của Bồ Tát, dùng chánh pháp chuyển hóa tâm địa con người đầy tham, sân, si có thể thức tỉnh kịp thời. Còn tay trái Ngài nắm hạt minh châu là tượng trưng cho trí tuệ. Vì muốn phá vô minh cần phải có trí tuệ, một khi có trí tuệ chiếu sáng thì vô minh không còn.

Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đã dùng Tích trượng để đi vào địa ngục hướng dẫn cho thập loại chúng sinh đang bị đọa trong địa ngục hiểu được Chánh Pháp, thoát vòng sinh tử luân hồi. Mỗi khi vào trong địa ngục, Ngài dùng tích trượng gõ xuống đất thì các cửa ngục được mở ra.

Từ khóa: