Đạo Phật lấy ngày 14 và 30 âm lịch để làm ngày Sám Hối. Khi đó các Phật Tử đọc kinh và niệm Hồng Danh 108 Đức Phật. Tuy nhiên, không có nghĩa là đọc kinh và niệm xong thì tội nghiệp tiêu trừ hẳn mà đây là phương tiện để thông qua kinh kệ giúp mọi người thức tỉnh lại những sai lầm của mình và biết ăn năn hối lỗi.
 
Lạy Phật để nhớ công hạnh của Chư Phật để noi theo. Chính vì nhận thức được lỗi sai và có hành động sửa lỗi nên chính tự thân mỗi người mới tự diệt trừ những nghiệp xấu đã gây tạo trong đời sống hằng ngày và các quá khứ.
 
 
Sám là ăn năn lỗi trước, còn Hối là chừa bỏ lỗi sau. Nếu dùng một chữ Sám hay một chữ Hối không thì chưa đủ ý nghĩa, nên các Tổ xưa ghép hai chữ lại thành danh từ "Sám hối", dịch theo tiếng Việt là "ăn năn chừa lỗi". Như thế trong chữ Sám hối có hàm nghĩa ăn năn, hối hận vì những lỗi lầm trong quá khứ, bất luận là lâu mau, và bây giờ cho đến về sau, mình nguyện là không tái phạm nữa.
 
Đức Phật nói “Ý dẫn đầu các pháp” nên “Tội từ tâm sanh, tội từ tâm diệt”. Ý thức của mình là sợi dây kéo những hành động, lời nói sai lầm. Tuy nhiên, đạo Phật có cách nhìn xa hơn là những tội nghiệp chúng ta gây tạo thường không phải từ đời này mà nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ nên chúng ta luôn mãi luân hồi trong sanh tử để trả lại những tội nghiệp đã tạo lấy theo quy luật nhân quả. Do đó, là một người có đạo đức nói chung và là người phật Tử hiểu đạo nói riêng, sám hối là đều tất nhiên phải thực hiện.
 
Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phổ Hiền Bồ Tát đã nói: “Nếu tội của chúng sanh có hình tướng, thì tất cả hư không cũng không thể chứa hết”. Bởi tội từ tâm mà sanh ra, không hình tướng nên chúng ta phải diệt tội từ trong tâm có nghĩa là dùng tâm thành kính để hối lỗi.
 
Các pháp sám hối của Ðạo Phật, nếu thực hành một cách đứng đắn, sẽ đem lại những kết quả quí báu sau đây:
- Làm phát triển lòng thành thật.
- Trau dồi đức tính cương quyết trong sự diệt trừ tánh xấu.
- Dứt được tội, sinh phước.
- Mau thắng đến chỗ giải thoát an vui.
Từ khóa: