Thiền trong Phật giáo
Thiền là phương thức thực tập cốt tủy của đạo Phật. Đó là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt qua mọi sầu não, khổ, ưu...
Khởi nguyên của Thiền trong Phật giáo là sự giác ngộ của Đức Phật.
Trước khi giác ngộ, Đức Phật đã mất 6 năm thực hành thiền định và khổ hạnh ép xác, tìm kiếm Chân lý bên ngoài bản thân. Và Ngài đã thất bại, không đạt được mục đích. Do đó, Ngài từ giã các vị thầy, ra đi một mình, ngồi dưới một gốc cây và bắt đầu thực hành thiền theo phương thức mới: hướng sự quán chiếu quay vào bên trong nội tâm của chính mình và cuối cùng Đức Phật đã thấu đạt Chân lý.
Điểm khác biệt trong sự thực hành của Đức Phật lúc Ngài đạt được giác ngộ chính là sự quán chiếu nội tâm. Đây là phương pháp Thiền trong Phật giáo và điều này cũng chứng tỏ sự khác nhau giữa Thiền của Phật giáo với những tôn giáo khác, cũng như với những phương pháp tu tập tâm linh khác.
Đạo Phật day nhiều phương pháp hành thiền khác nhau, nhưng tất cả đều quy về hai loại: Thiền chỉ - thiền định (Samatha) và thiền quán - thiền tuệ/thiền minh sát (Vipassana).
- Thiền chỉ (thiền định) tập trung tâm vào một đối tượng sâu sắc và giúp cho tâm tĩnh lặng. Thiền chỉ được thực hiện thông qua việc tập trung vào hơi thở, tĩnh tâm để nhận thức về bản chất của mọi sự. Người thực hành thiền chỉ sẽ đạt được trạng thái hạnh phúc trong hiện tại; được thanh lọc tâm trí, cơ thể; được giải phóng khỏi các phiền não.
- Thiền quán (thiền tuệ/thiền minh sát) là nhìn sâu sắc vào tận sâu bên trong để thấy mọi sự vật đúng như bản chất chúng đang là. Thực hành thiền quán là để đạt tới sự hạnh phúc từ tâm trí, hướng đến sự cân bằng về trí tuệ, lòng từ bi và tình thương, không còn bị phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài tác động, chi phối.
Cả hai phương pháp này đều có mối liên hệ phụ thuộc vào nhau, hỗ trợ cho nhau trong suốt quá trình đưa đến nhất tâm và tăng trưởng trí tuệ.
Thiền là phương thức thực tập cốt tủy của đạo Phật: “Này các thầy Tỷ kheo, con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt qua mọi sầu não, khổ, ưu, thành tựu chánh lý, hiện chứng Niết bàn là con đường này: Đó là bốn niệm xứ” (Kinh Tứ Niệm Xứ).