Thiền là một phương pháp tu luyện cổ xưa của người Ấn Độ. Từ thời thượng cổ, Thiền đã được nhắc đến trong bộ kinh Upanishad (Áo Nghĩa Thư) với thuật ngữ "Dhyna".

"Dhyna" được dịch là “Tịch lự” - nghĩa là trầm tư về một chân lý, một triết lý hoặc đạo đến chỗ ngộ và in sâu vào trong tâm thức. "Dhyna" cũng có nghĩa là tĩnh lặng, tập trung chú ý vào một đối tượng nào đó mà không suy nghĩ tới một điều gì khác nữa, hoặc tâm dõi theo hơi thở vào, ra.

Người Ấn Độ tin rằng nếu muốn hiểu tường tận một sự vật, sự việc thì ta cần phải hòa mình vào chính sự vật, sự việc đó. Để làm được điều này thì cần tập trung tư tưởng, tập trung suy nghĩ của bản thân sao cho không bị bất cứ ngoại cảnh nào tác động được. Trạng thái đó người ta gọi là Thiền. Vì những mặt lợi ích có được, thiền được rất nhiều tông phái triết học Ấn Độ ứng dụng từ xa xưa.

Vào khoảng năm 520, thời điểm sau khi Phật giáo ra đời, Bồ đề Đạt ma đã đem Thiền truyền sang Trung Quốc. Tại Trung Quốc, Thiền được triển cả về lý luận và phương pháp thực hành dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng Trung Hoa. Khi được du nhập vào Nhật Bản, Thiền với tên gọi là Zen lại được hòa trộn với văn hóa và nghệ thuật của đất nước này. Đến đầu thế kỷ XX, giáo sư D.T. Suzuki của Nhật Bản đã giới thiệu Thiền sang các nước phương Tây. Khi sang phương Tây, Thiền đã được chuyển ngữ thành “Mediation”, để chỉ một phương pháp chữa bệnh.

Cùng với quá trình lan tỏa tới các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, có tôn giáo khác nhau, bản sắc văn hóa khác nhau thì Thiền đã được bổ sung, phát triển thêm cả về mặt lý luận và thực tiễn. Và dù có qua nhiều khái niệm định nghĩa thì tinh thần cốt lõi nguyên thủy của Thiền vẫn được tôn trọng và gìn giữ.

Ngày nay, Thiền đơn giản là một phương pháp rèn luyện cải thiện sức khỏe, rèn luyện tâm trí tập trung vào hiện tại, giúp người thực hành sống trọn vẹn hơn, hướng tới sự bình an thuần khiết nơi bản thân mình.

Từ khóa: