Ý nghĩa của việc tụng kinh
Tụng kinh giúp Phật tử tự soi chiếu lại bản thân để sửa đổi, các công đức lành đã tu nỗ lực tăng thêm, các công đức lành chưa tu lập chí để làm.
Kinh Phật là những lời dạy từ Đức Phật được những vị đệ tử chuyên tu của Ngài truyền miệng lại từ đời này sang đời khác.
Khởi nguyên của việc tụng kinh vốn xuất phát ngay từ thời Đức Phật còn tại thế. Thời đó, kinh điển vốn không dùng văn tự để sao chép, cũng không có ấn loát mà đều nương vào sự truyền khẩu rồi từ người này truyền sang người khác. Chúng đệ tử của Đức Phật khi thay Ngài thuyết pháp sẽ đem các bản kinh đã từng nghe qua mà tụng ra; hoặc như bản thân muốn thuộc lòng một bộ kinh nào cũng phải mang bộ kinh ấy ra mà tụng. Đến nay, tụng kinh đã trở thành một pháp môn tu tập cơ bản của việc học tập Phật pháp.
Vậy tụng kinh là như thế nào? Tụng kinh là đọc một cách thành kính những lời Đức Phật đã dạy trong kinh điển.
Người biết tụng kinh là người tụng cho chính mình nghe. Khi ngồi tụng kinh, thân tâm trang nghiêm. Khi đó: Thân không phát sinh ra 3 thứ ác nghiệp là sát sinh, trộm cắp và tà dâm. Miệng đọc lời kinh nên miệng không phát sinh 4 ác nghiệp là nói dói, nói lưỡi đôi chiều, vọng ngữ và ác khẩu. Tâm nương theo văn kinh mà không phát khởi tham dục, sân hận và tà kiến.
Ngay tại thời điểm đó, người tụng kinh đã chuyển hóa được 10 cái ác nghiệp thành 10 thiện nghiệp. Và công đức tụng kinh phát sinh chính tại thời điểm đó cho dù người tụng có hiểu ý nghĩa của kinh hay chưa hiểu.
Hơn nữa, Phật pháp như tấm gương sáng soi chiếu chính tâm mình. Mỗi lần tụng kinh là mỗi lần tự soi chiếu lại bản thân để sửa đổi, các công đức lành đã tu nỗ lực tăng thêm, các công đức lành chưa tu lập chí để làm.
Ý nghĩa của việc tụng kinh là như thế. Hoàn toàn không phải là Phật tử tụng kinh rồi thì Đức Phật cảm ứng mà ban phước lành. Niệm Phật cũng tương tự như vậy. Do đó chúng ta tụng kinh nào thì công đức tụng niệm cũng thành tựu đều như nhau.