Duyên Khởi
Bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ, tinh thần hay vật chất, đều do sự tập hợp của các DUYÊN mà thành.
Đạo lý căn bản của Phật Giáo là đạo lý duyên khởi, tứ diệu đế và bát chánh đạo. Ba đạo lý này là nền tảng cho tất cả các tông phái Phật Giáo.
DUYÊN (Pratyaya) là những điều kiện. Sự sinh thành của một cái bàn chẳng hạn, tùy thuộc ở những điều kiện như gỗ, cưa, đinh, búa, người thợ mộc, vân vân… Vậy gỗ, cưa, đinh, búa, người thợ mộc là những DUYÊN cần thiết cho sự phát sinh của cái bàn. Sự sinh thành của một đứa bé cũng tùy thuộc ở những DUYÊN như tinh huyết của cha mẹ, thời gian thai nghén, sức ấm vân vân… Bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ, tinh thần hay vật chất, đều do sự tập hợp của các DUYÊN mà thành. Sự vật nương vào nhau mà sinh thành và tồn tại, không có sự vật vào có thể tự mình sinh ra mình và tự mình tồn tại độc lập với những sự vật khác. Đó là yếu lý duyên khởi của đạo Phật.
Có bốn loại DUYÊN cần được phân biệt.
Thứ nhất là NHÂN DUYÊN có thể gọi là điều kiện gần gũi nhất, ví như hạt lúa là nhân duyên của cây lúa, gỗ là nhân duyên của cái bàn và đất sét là nhân duyên của cái bình.
Thứ hai là TĂNG THƯỢNG DUYÊN tức là những điều kiện trợ lực cho nhân duyên, ví như phân bón và nước là tăng thượng duyên cho hạt lúa trở thành cây lúa, người thợ mộc và cây cưa là tăng thượng duyên cho khúc gỗ trở thành cái bàn, nước và lò gốm là tăng thượng duyên cho đất sét trở thành cái bình.
Thứ ba là SỞ DUYÊN DUYÊN tức là những điều kiện làm đối tượng cho nhận thức, như hình sắc phát sinh ra cái thấy, âm thanh phát sinh ra cái nghe và tư tưởng phát sinh ra ý lự.
Thứ tư là ĐẰNG VÔ GIÁN DUYÊN tức là sự liên tục không gián đoạn cần thiết cho mọi sự phát sinh, trưởng thành và tồn tại.
Luật nhân quả cần được quan sát và áp dụng theo nguyên tắc duyên sinh mới có thể gọi là luật nhân quả đạo Phật. Theo đạo lý duyên sinh, một NHÂN đơn độc không bao giờ có khả năng sinh ra quả, và một NHÂN bao giờ cũng đóng vai trò QUẢ, cho một NHÂN khác.
Ta đã biết rằng hạt lúa là NHÂN của cây lúa. Nhưng ta cũng đã biết thêm rằng nếu không có những tăng thượng duyên như đất, ánh sáng, nước và thời gian thì hạt lúa không bao giờ trở nên cây lúa được. Vậy ta kết luận: một nhân đơn độc không bao giờ có khả năng phát sinh ra quả. Trên thực tế, ta chưa từng thấy một nhân đơn độc nào có thể sinh ra quả, mà ta cũng chưa từng thấy một nhân mà không phải là một quả cho một nhân khác.
Trong kinh A Hàm, Phật dạy: “Vì cái này có cho nên cái kia có, vì cái này không cho nên cái kia không, vì cái này sinh cho nên cái kia sinh, vì cái này diệt cho nên cái kia diệt”. Đó là sự diễn tả đơn giản và đúng mức của đạo lý duyên khởi.
Nhật thức duyên khởi có thể được kiểm chứng bởi bất cứ ai, bởi vì đó không phải là một tín điều siêu hình, đó là sự thật thực nghiệm, phù hợp với nhận thức khoa học thực nghiệm. Phát minh ra đạo lý duyên khởi, Đức Phật soi cho ta thấy rõ bộ mặt của thực hữu, tránh cho ta bao nhiêu ngộ nhận sai lầm về vấn đề nguyên ủy vũ trụ và giúp cho ta thành đạt trong phạm vi trí tuệ tu dưỡng cũng như trong phạm vi hành động thực tiễn.
Trích lược “Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày” - Thiền sư Thích Nhất Hạnh