Điều cầu nguyện của người tu
Cách cầu nguyện hiệu quả nhất là trở về với Tâm. Tâm của chúng ta là một trung tâm chế biến năng lượng. Từ trung tâm điện lực đó, ta mới có thể thay đổi được thế giới, vũ trụ.
Người xuất gia có một ý niệm khác về cầu nguyện. Ngay trong bài Đệ tử kính lạy, bài cầu nguyện phổ thông nhất của giới Phật tử Việt Nam, có nói rất rõ về mục đích của sự cầu nguyện.
Đã đành chúng ta cầu thân không tật bệnh, tâm không phiền não. Nhưng chúng ta không cầu nhận hai điều đó như là hai cứu cánh, tại vì chúng ta muốn đi xa hơn nữa. Nên nhớ rằng bài này không phải chỉ dành cho giới xuất gia mà chung cho tất cả mọi người tại gia, và những em rất trẻ ở trong Gia đình Phật tử Việt Nam nữa.
Ngửa trông ơn Phật từ bi gia hộ, thân không tật bệnh, tâm không phiền não để làm gì? Để hàng ngày an vui tu tập phép Phật nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi, minh tâm kiến tánh. Đó là câu tụng của người xuất gia. Ra khỏi luân hồi, vượt thoát sanh tử, là lời cầu nguyện của những người xuất gia.
Người xuất gia có thể cầu nguyện sức khỏe, có thể cầu nguyện thành công, có thể cầu nguyện hài hòa trong tăng thân không? Có! Nhưng chừng đó chưa đủ. Người xuất gia phải đi đến một mức độ sâu sắc hơn, đó là giải thoát sanh tử để có thể thỏa mãn được những nhu yếu rất sâu mà người tại gia chưa thấy được. Đó là biết rõ tôi từ đâu tới, tại sao tôi có mặt đây, tôi sẽ đi về đâu, sau khi chết tôi còn hay không, tôi với Bụt có liên hệ gì không, cái bản lai diện mục của tôi là gì? Đó là những điều cầu nguyện sâu sắc nhất của người tu.
Nếu là người tu mà chỉ cầu nguyện ba điều thông thường là sức khỏe, thành công và hài hòa, thì chưa phải là người tu đích thực. Người tu đích thực phải cầu nguyện tới mức độ sâu sắc hơn. Mình phải làm thế nào để trong đời sống hàng ngày, mình có thể có cái nhìn chọc thủng được bình diện tích môn, để đi tới bản môn, mà thấy được cái bản chất tương tức của vạn sự, vạn vật. Mình phải thấy được cái Như Lai tạng, cái chân như, cái bản thể, cái niết bàn thì lúc đó mình mới đạt tới sự thỏa mãn lớn lao của người tu.
Sự thỏa mãn đó có rồi thì dầu có sức khỏe nhiều hay sức khỏe ít, mình vẫn có hạnh phúc như thường. Dù thành công hay không thành công trong công việc, trong sự tạo dựng chùa chiền, hoặc trong tổ chức tăng thân, thì mình vẫn không đau khổ gì cả. Cố nhiên khi mình có hạnh phúc rồi thì mình sẽ không tranh chấp, không gây chiến tranh, không tạo khổ đau. Sự hài hòa do đó tự nhiên nó có.
Như vậy thì chúng ta khác nhau ở chỗ nào? Khác nhau ở trình độ cầu nguyện của chúng ta. Khi chúng ta đã tiếp xúc được với bản môn rồi, nghĩa là tiếp xúc được với niết bàn, với chân như, với Như Lai tạng, khi chúng ta đã bước vào được thế giới của Hoa Nghiêm, đã tiếp xúc được với nước Chúa, với Thượng đế rồi, thì cái gì xảy ra trong tích môn ta cũng chấp nhận được cả, chúng ta đã đi vào trong cõi an lạc, không còn đau khổ nữa. Sống thêm mười năm nữa cũng được, mà sống thêm nửa năm nữa cũng không sao.
Lúc đó, chúng ta đã thay đổi hẳn cách nhìn của chúng ta. Trước kia nếu không có cái này, ta sẽ đau khổ vô cùng, nhưng khi tiếp xúc được với chân như rồi thì không có cái này cũng không sao. Trước kia không có sự thành công này, ta xem như cả cuộc đời thất bại, nhưng khi đã tiếp xúc được với bản môn rồi thì dù chùa của mình có bị cháy, dù người ta bôi xấu mình, người ta gán cho mình những điều oan ức, thì mình vẫn mỉm cười, an lạc được như thường. Cái mà ta cho là sự thành công, căn bản hạnh phúc của đời ta, ta không cần nữa, tại vì hạnh phúc của ta ở trong bản môn đã có, và rất lớn, nó vượt thoát khỏi cái thành cái bại.
(...) Chúng ta đừng nghĩ rằng sức khỏe của chúng ta là quan trọng nhất, sự thành công của chúng ta là quan trọng nhất, hay cái liên hệ của chúng ta với người thương, với gia đình, với xã hội là quan trọng nhất. Cái quan trọng nhất của người tu là chúng ta chọc thủng được bức màn tích môn để đi vào thế giới của bản môn, để thấy được sự liên hệ, thấy được cái tương tức giữa ta và Bụt, giữa ta và tất cả những hiện tượng khác của sự sống quanh ta.
Cho nên phải có trí tuệ trong khi cầu nguyện. Làm sao để có trí tuệ? Muốn có trí tuệ thì ta phải quán chiếu, phải đi về bản môn. Một điều mà chúng ta có thể biết được là khi năng lượng của từ bi, của trí tuệ, của chánh niệm khởi dậy rồi, thì chúng ta có thể thay đổi được tình trạng, thay đổi được hoàn cảnh. Thay đổi không phải bằng cá nhân của ta mà thôi, mà bằng cả tâm thức cộng đồng. Tâm thức cộng đồng đó là cái chìa khóa của tất cả sự thay đổi.
Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ, nói rằng: Thượng đế là một vệ tinh viễn thông. Tất cả những ước muốn của mình phải được phóng lên trên đó, rồi Thượng đế sẽ gởi phán quyết của ngài lại cho người mình muốn cầu nguyện.
Ví dụ mình là A, mình muốn cầu nguyện cho B, hai bên ở xa nhau. Mình phải hướng lời cầu nguyện tới Thượng đế và Thượng đế sẽ phản chiếu lại giùm mình. Mình cầu cho B được lành bệnh thì B sẽ được lành bệnh. Vì vậy mà Thượng đế được ví như là một vệ tinh viễn thông.
Cái vệ tinh viễn thông mà Larry Dossey gọi là Thượng đế đó, đạo Bụt gọi là Tâm thức cộng đồng, tức là A-lại-gia thức, trong đó Bụt và chúng ta là một. Nếu có một sự chuyển biến ở trong tâm thức cá nhân thì có sự chuyển biến ở trong tâm thức cộng đồng. Mà khi có chuyển biến trong tâm thức cộng đồng thì có sự chuyển biến tình trạng của đối tượng cầu nguyện của chúng ta. Vì vậy cho nên ta nói rằng tất cả là đều do tâm. Tâm của chúng ta là một sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng. Nếu chúng ta muốn có sự thay đổi, thì chúng ta phải trở về với tâm.
Tâm của chúng ta là một trung tâm chế biến năng lượng. Từ trung tâm điện lực đó, ta mới có thể thay đổi được thế giới, vũ trụ. Thay đổi bằng những năng lượng có thật, và do chính ta chế tác ra.
Đó là cách cầu nguyện hữu hiệu nhất.
Trích theo "Hiệu lực cầu nguyện" - Thiền sư Thích Nhất Hạnh