“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Người Việt vẫn quan niệm rằng, khi con người chết là chỉ mất đi phần xác, vong hồn của họ thì vẫn tồn tại, vẫn có thể viếng thăm, phù hộ cho người thân, cho dù người sống không nhìn thấy. Cũng vì vậy, việc thờ cúng ông bà là tập tục có từ cổ xưa. Đức tin ấy được cụ thể hóa bằng bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình Việt, không phân biệt giàu nghèo hay địa vị xã hội.

Nơi đặt bàn thờ tổ tiên thường ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Chính giữa ban thờ là bát hương tượng trưng cho vũ trụ, trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng; ở hai góc ngoài của bàn thờ bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Mỗi khi cúng, lễ gia chủ sẽ thắp đèn (đốt nến). Ngay sau bát hương thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ.Trong những ngày giỗ, tết hay những ngày quan trọng của gia đình như cưới hỏi, thi cử, các gia đình thường thắp hương khấn lễ.

Nhà ở dân gian truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ thường là tổ hợp các ngôi nhà cấp 4 theo các bố đơn giản chữ “nhất”, chữ “nhị”, trong đó ngôi nhà chính được lấy làm trung tâm. Kiến trúc ngôi nhà chính thường được tổ chức không gian mặt bằng theo dạng “ba gian hai chái”, trong đó ba gian nhà chính thường được bố trí làm không gian thờ và không gian tiếp khách và không gian sinh hoạt chung của gia đình. Trong ba gian nhà chính thì nơi trung tâm nhất được lựa chọn làm không gian thờ cúng, bàn thờ tổ tiên thường được đặt trang trọng tại vị trí trung tâm này. Trong dân gian, quan niệm cho rằng vị trí đặt ban thờ thuận lợi nhất là tại đại sảnh, đối diện trực tiếp với cửa chính, để mỗi khi bước vào nhà đều nhìn thấy ban thờ. Nơi đó là chỗ tôn thờ, tưởng niệm cha ông, ra vào lúc nào cũng thấy trước mắt, khiến cho con người ta luôn hướng về nguồn cuội.

Dù có sự khác nhau đôi chút về hình thức, nhưng ở cả ba miền, không gian thờ cúng đều được đặt ở vị trí trung tâm, nơi trang trọng nhất trong mỗi gia đình. Ở miền Bắc, bàn thờ thường là một giá gỗ được gắn nơi bức tường trung tâm của ngôi nhà chính, ở tầm cao trên tay với của người lớn, mỗi lần hương khói người ta phải đặt ghế để đứng lên trong tư thế thành kính. Miền Trung và miền Nam, vị trí ấy là chiếc tủ thờ bằng gỗ, cao gần tầm đầu người lớn, được chế tác công phu.

Tường sau không gian bàn thờ ở nhà khá giả là hoành phi, liễn đối bằng Hán tự, sơn son thiếp vàng, có nội dung nói lên công đức của người đã khuất. Ở gia đình bình dân thì đó là tranh thờ, thường là tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư, cá chép vượt vũ môn hay các chữ như Phúc, Lộc, Thọ (bằng Hán tự). Bàn thờ thường được thiết lập ở gian giữa nhà chính (nhà trên), nếu không có thì có một nhà riêng để làm nhà Thờ. Cũng có thể bố trí gian bên trái từ ngoài sân nhìn vào. Những gia đình sang trọng thuộc lớp trung lưu thì đồ thờ gồm một bệ tam sự (Một cái lư (đỉnh), cặp chân đèn bằng đồng để cắm nến, hay một bộ ngũ sự có thêm lọ độc bình, chân bệ để đèn. Nếu là bộ thất sự thì có thêm ống đựng hương, ống cắm đũa…tất cả đều được đúc bằng đồng. Những nhà khá giả còn có đôi hạc đồng. Đồ thờ nếu không có điều kiện sắm bằng đồng thì làm bằng gỗ tiện và thường sơn đỏ. Thông thường người ta chia gian thờ thành 3 lớp. Lớp ngoài là bộ phận phản để mọi người làm lễ, không đặt phản thì để trống nền nhà, khi cần có thể bày thêm bàn ghế, hay trải chiếu. Lớp thứ hai là hương án, trên đặt bộ đồ tam sự hay ngũ sự, lớp thứ ba ở trong cùng mới thực sự là bàn thờ người đã khuất, trên để khám sơn son, bài vị, hộp hay ống đựng gia phả, khay đựng vật cúng, đài rượu và có thể có ảnh chân dung người đã khuất. Bát hương tốt nhất vẫn nên bằng kim loại: Đồng, vàng, bạc.

Đối với không gian kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống, cửa bức bàn là một chi tiết kiến trúc không thể thiếu trong kết cấu nhà gỗ cổ truyền. Không chỉ dừng lại ở việc che chắn mưa, gió, bảo vệ gia chủ mà nó còn mang ý nghĩa văn hóa rất sâu sắc. Cửa bức bàn được thiết kế có bậc cấp phân biệt trong nhà với ngoài nhà. Bậc cấp được thiết kế một độ cao vừa phải, để người ngoài khi vào trong nhà phải cúi đầu để ý tránh vấp ngã, qua đó cũng thể hiện sự tôn trọng, tôn kính của người khách với chủ nhà và gia tiên trong nhà. Đây là một nét văn hóa rất sâu sắc của người Việt đã được duy trì qua rất nhiều thế hệ, và nó được thể hiện gián tiếp qua cách thiết kế bậc cấp nhà gỗ cổ truyền của người Việt.

Tạp chí Kiến trúc số 02-2022

Từ khóa: