Biểu tượng văn hóa LỬA
Một số nghi lễ hỏa táng có nguồn gốc ở sự chấp nhận lửa như là một phương tiện vận chuyển, hay là sứ giả, từ thế giới người sống sang thế giới người chết.
Mỗi nền văn hóa đều được cấu thành bởi một tập hợp các hệ biểu tượng. Việc nghiên cứu các biểu tượng là chìa khóa để giải mã đời sống văn hóa, tinh thần của một cộng đồng. Nói như Jean Chevalier, tác giả cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, tìm hiểu biểu tượng là tìm ra “chìa khóa của những con đường đẹp đẽ…. Vượt qua cái dáng vẻ bên ngoài, ta thấy được những chân lý, niềm vui, những ý nghĩa ẩn kín và thiêng liêng của mọi điều trên mặt đất quyến rũ và kinh khủng này”.
Lửa là một biểu tượng có vị trí quan trọng trong hệ biểu tượng của bất cứ nền văn hóa nào trên thế giới. Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, biểu tượng Lửa được giải thích với những ý nghĩa chính như sau:
Lửa - bản thể: Ý nghĩa bản thể lửa trong văn hóa nhân loại được tri nhận và lí giải tương đối phong phú. Theo giáo thuyết Hindu, những dạng lửa của thế giới trần gian là: lửa thông thường, lửa sấm sét và mặt trời. Ngoài ra còn có hai dạng lửa khác: lửa xuyên thấu (hoặc lửa hấp thụ) và lửa hủy diệt. Theo Kinh Dịch, lửa ứng với phương Nam, màu đỏ, mùa hè, trái tim…
Lửa - thần thánh: Ý nghĩa siêu nhiên của lửa trải rộng từ những linh hồn lang thang (ma trơi, đèn lồng Viễn Đông) đến anh linh thần thánh (Brahma với lửa là một). Nhiều nền văn hóa trên thế giới coi lửa là một vị thần có sức mạnh siêu nhiên. Trong các tôn giáo Ariăng ở châu Á và Kitô giáo, lửa là vị thần sống và tư duy.
Lửa - tẩy uế và tái sinh: Ý nghĩa tẩy uế của biểu tượng lửa thường gắn liền với sự tái sinh. Theo một số truyền thuyết, chúa Ki tô (và các thánh) tái sinh cơ thể bằng cách đi qua lò lửa của xưởng rèn. Những người theo Đạo giáo bước vào lửa để tự giải phóng khỏi thân phận mà con người phải chịu đựng. Họ bước vào lửa mà không bị thiêu cháy. Trong Popol-vul, hai Anh hùng song sinh, hai vị thần ngô, đã chết trên giàn thiêu bởi kẻ thù, không có gì để tự vệ rồi sau đó tái sinh, hóa thân thành những đọt ngô xanh. Các cổ thư của người Ailen nhắc đến ngày hội Beltaines. Vào ngày 1-5, khởi đầu mùa hè, các giáo sĩ đốt những đống lửa cho gia súc đi qua đó để phòng ngừa các bệnh dịch.
Lửa – hủy diệt: Ý nghĩa hủy diệt của biểu tượng lửa thể hiện: nó làm tối và chết ngạt bởi khói; nó đốt cháy, tàn phá, thiêu hủy: lửa của những dục vọng, của sự trừng phạt, của chiến tranh. Và theo đó, lửa trong tay ma quỷ, trở thành công cụ của quỷ.
Lửa- giác ngộ: Lửa bên trong, lửa là tri thức xuyên suốt, là sự giác ngộ, là sự hủy bỏ cái vỏ bọc ngoài. Theo sự giải thích phân tâm học của Paul Diel, lửa mặt đất tượng trưng cho trí khôn, nghĩa là ý thức, với tất cả tính hai chiều đối nghịch của nó: ngọn lửa bốc lên trời thể hiện khí thế hướng tới sự thăng hoa tinh thần; ngọn lửa chao đảo biểu thị trí khôn, tinh thần sao nhãng.
Lửa – phương tiện vận chuyển: Một số nghi lễ hỏa táng có nguồn gốc ở sự chấp nhận lửa như là một phương tiện vận chuyển, hay là sứ giả, từ thế giới người sống sang thế giới người chết. Trong nghi lễ tang ma của nhiều dân tộc trên thế giới, người ta đặt phần thức ăn dành cho người chết vào đống lửa trên đầu quan tài, ngọn lửa có nhiệm vụ chuyển đồ cúng đó cho người chết.
Lửa – giới tính: Ý nghĩa giới tính của lửa liên hệ một cách phổ biến với kĩ thuật đầu tiên thu được lửa do cọ xát bằng cách lui-tới, hình ảnh của hành động tính giao. Mircéa Eliade nhận xét: Lửa thu được bằng cọ xát được như là kết quả (con cái) của sự chung đụng giới tính.