Mõ chùa
Bên cạnh mõ cá gắn với đặc điểm mắt cá không bao giờ ngủ, đạo Phật còn có mõ ngan với nguồn gốc vô cùng ý nghĩa.
Mõ Ngan - Nga Châu
Nhiều người - kể cả tầng lớp tăng lữ, khi hỏi về sự tích cái Mõ, thường chỉ biết đến sự tỉnh thức bất mị của chiếc MÕ CÁ mà không biết đến cái MÕ NGAN (hoặc NGỖNG). Đọc khoa nghi của các Thiền tổ miền Bắc, thấy các Tổ hay tập dụng chữ nghĩa trong kinh điển, nhất loạt hàm uẩn gọi loại mõ này bằng tên chữ “NGA CHÂU 鵞珠”, hoặc dài hơn là “GIA TRÌ MỘC ĐẠC”.
Mõ 鐸 ban sơ là nhạc khí thuộc Kim, đến khí Phật giáo xuôi Nam thì các chùa thường làm bằng Mộc, Tầu phiên âm Mu, ta theo âm mà đọc Mõ, Nôm ghép chữ Hình thanh mà viết 从木从某. Khánh, trống, chuông, mõ được cho là (Nhạc kiêm) Pháp khí của Thiền gia, sáng chuông chiều mõ cứ theo Nhật tụng mà rền, không thành Phật thì cũng làm Tổ.
Lịch sử ra đời mõ ngan
Chiểu vào cuốn Đại Trang nghiêm luận kinh ghi: Xưa có vị Sa môn theo khổ hạnh Đầu đà, lang thang khất thực đến trước cửa nhà người thợ ngọc, ngoài hàng ông thợ đang xâu một chuỗi vòng ngọc châu mầu huyết dụ cho vua. Thấy vị sư đến trước cửa xin ăn, thợ liền dừng tay chắp lễ rồi vào bếp lấy đồ ăn dâng cúng. Đúng lúc, có con ngan nhà thấy vắng chủ, “ông Bèn” lạch bạch đi tới rồi tợp luôn viên to nhất vào bụng. Thợ đem thức ăn ra thì không thấy viên châu đâu nữa, mới hốt hoảng nghi vị sư tà tâm biển thủ mà buông lời căn vặn rồi chửi mắng. Vị sư trong lòng e sợ, vì nói dối thì phạm Vọng ngữ, nói ra chân tướng thì thợ sẽ giết thịt mổ bụng ngan lấy châu, vô hình chung gián tiếp tạo ra nghiệp Sát. Sư mới nhẫn nhục Ba la mật cúi đầu chắp tay mà tụng đáp bằng một bài kệ ngầm phúng dụ về chuyện sinh tử, được mất, nhưng thợ châu không thèm để tai. Uất vì mất châu đắc đại tội với vua trên, thợ mới ra tay quật ngã sư rồi cầm dùi phang tới tấp vào đầu sư, máu me theo đó mà tràn ra đầy mặt và sau gáy. Thấy máu chảy lênh láng ra đất và như hiểu được ơn cứu mạng, con ngan chạy đến tợp dòng huyết đang chảy từ vết nứt trên sọ ngõ hầu an ủi, thợ châu đang cơn lộn máu mới đập chết con ngan. Đến lúc này, sư mới kể rõ chân tướng sự thực, thợ châu không tin đi mổ bụng ngan thì quả nhiên thấy hạt châu bị mất, mới oà lên khóc mà cúi bạch sư rằng: “Ngài không tiếc sinh mạng chính mình mà nhẫn nhục đứng ra bảo vệ sinh mạng con ngan, khiến chúng sinh con vô minh mà đắc trọng tội”.
Từ nội dung kinh văn, Thiền tổ đất Bắc chế tác ra cái mõ gia trì tuyệt đại hình tròn tượng trưng đầu sư, vết cắt trên đỉnh mõ biểu thị cho sự vỡ đầu, mõ để mộc hoặc Sơn đỏ biểu thị cho máu, quai mõ thường cong có hình cổ đầu 1 con ngan, mỏ ngan thường ngậm hạt châu. Mẫu hình mõ có quai 1 ngan ít thấy so với hình 2 đầu ngan chầu vào nhau cùng ngậm một viên ngọc. Nhểu người không hiểu nên chế thành đầu rồng, nhất là chùa miền Trung và Nam. Việc dùng dùi phang vào đầu trong chuyện, chuyển dịch dùng dùi gõ mõ hoà cùng tiếng chuông (đẩu) trong thời khoá công phu, hành trì tụng niệm.
Yếu nghĩa tối thượng của câu chuyện gắn đến cái mõ là gì?
Chính là viên châu!
Châu được ví cho sự viên mãn toàn giác của tự tính như như, muốn giữ (trì 持, tức nắm giữ liên tục ko giây phút buông lơi, chứ không phải thủ 取 khư khư cố chấp) được sự toàn giác viên mãn của châu quang, buộc người tu phải nương vào GIỚI. Bởi vậy, người xuất gia thường đeo và lần tràng hạt, chuỗi tràng hạt được gọi là Giới châu, giữ được Giới thì chính là Phật Pháp thường trú tại nhân gian, giữ được tự tính Di Đà thì “nhậm vận thịnh suy” cũng “vô bố uý”. Mỗi lần tay trái lần giới châu, tay kia gõ nhịp Nga châu là để đánh thức tụ tính thanh tịnh. Để rồi, niệm đến vô niệm, niệm đến đoạn diệt bản ngã thì cũng là lúc siêu Phàm nhập Thánh mà Hoà quang đồng trần! Thiền của Thiền tổ đất Bắc chính là đây, công năng của mõ trong việc gia trì Hồng danh trong pháp môn Tịnh độ cũng là đây!
Còn chuyện các sư hay vãi ngồi gõ hay đứng gõ mõ chẳng hề hấn gì đến việc nhiếp tâm và phát lộ tự tính!
Từng có thơ rằng
夜宿荊門東朝博馬院
索寞緇窗夜忽聽。霜鐘一吼浪中鯨
鵞珠疊嚮初拈偈。石榻重宣古藏經
老衲每愁書斷雁。故園何忍解餘酲
绳床兀坐還成倦。苦覓詩聯記遠程
Ngủ tối ở viện Bác Mã huyện Đông phủ Kinh
Vắng lặng bên song bỗng bốn bề,
Kêu sương kình rống giữa ngàn khe
Nhịp mõ ngan dồn theo tiếng kệ,
Phiến kinh Phật thuyết lại được nghe
Sư cụ mắt buồn thưa bóng nhạn,
Vườn xưa rượu tỉnh chút men quê..
Giường tre ngồi mãi thành ra mỏi
Đành ghép thành thơ để nhớ ghi.
- Lê Quốc Việt -