Ở Việt Nam, hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được yêu mến và phổ biến chỉ đứng sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Người là hiện thân cho hành động cứu khổ cứu nạn, ở đâu có đau khổ nguy nan là người có mặt. Hình tượng người phụ nữ mặc đồ trắng, tay cầm bình thanh tịnh và cành dương liễu, miệng nở nụ cười bao dung như người mẹ hiền đã đi vào tâm thức bao nhiêu thế hệ người dân Việt Nam mộ đạo Phật.

Nếu như Đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử có thật thì Bồ tát là một hình tượng được bồi đắp các lớp văn hóa và tư tưởng Phật giáo. Bởi thế mà Bồ Tát có rất nhiều hóa thân tùy thuộc vào trí tưởng tượng và mơ ước của con người.

Tên Quan Thế Âm Bồ Tát có ý nghĩa:
• Quan là chỉ về sự quan sát và nhận biết
• Thế là thế gian, cuộc đời
• Âm là tiếng kêu cứu, thỉnh cầu của những chúng sinh đang đau khổ


Bồ Tát là hữu tình có giác ngộ. Giác ngộ về nỗi khổ của tất cả chúng sinh và phát nguyện cứu thoát chúng sinh ra khỏi những nỗi khổ đó. Vì vậy mà ở đời, hễ thấy ai hay thương người, hay bố thí, và cứu giúp người trong cơn khổ nạn, thì nói người ấy có tâm Bồ tát. Bồ tát có thể không có thật. Nhưng cái tâm Bồ tát, hạnh nguyện Bồ tát thì chắc chắn có thật. Có lẽ chính bởi mong ước và khát vọng thế mà người dân xây dựng nên hình tượng Mẹ Quan âm Bồ tát có nghìn mắt nghìn tay thần thông quảng đại. Càng nhiều đôi mắt thấu suốt để thấy được nhiều nỗi đau khổ, càng nhiều đôi tay hành động để cứu độ được nhiều chúng sinh thoát khỏi trầm luân bể khổ. Số lượng “Nghìn” chỉ là con số tượng trưng có khái niệm rất nhiều, vô số trong Phật Giáo. Bởi vậy, nghìn mắt nghìn tay còn là hình ảnh tượng trưng cho Phật Pháp, dùng thần lực để cứu độ chúng sinh muôn loài.